(Xây dựng) – Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, việc chủ động ứng phó với thiên tai, hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, mưa lớn, giông lốc... có chiều hướng tăng lên cả về cường độ và mức độ nguy hiểm. Được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia, tỉnh Lạng Sơn nắm bắt thông tin, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai gây ra trên địa bàn đạt hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại của nhân dân và Nhà nước.
Quốc lộ 279, đường lên đèo Bén (huyện Chi Lăng) bị nước lũ cuốn hư hỏng lớp bê tông nhựa trong đợt mưa lũ năm 2022. |
Triển khai công tác phòng chống thiên tai
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh Lạng Sơn năm 2022, đã chủ động tham mưu tích cực cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng khó kịp thời khi có hình thái thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án PCTT & TKCN của đơn vị thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai ở các cấp; công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai ở các cấp: Thực hiện kế hoạch 113/KH-UBND ngày 12/5/2022 của UBND tỉnh về kế hoạch tập huấn lái xuồng tìm kiếm cứu nạn. Qua tập huấn, các cán bộ, chiến sỹ đã hiểu biết về tính năng, cấu tạo chính, thực hành động tác cứu hộ, cứu nạn, phương pháp cứu người bị nạn.
Về công tác tuyên truyền, truyền thông phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai: Trong năm 2022 tổ chức phối hợp với huyện 01 lớp cho xã đăng ký nông thôn mới. Việc ban hành Kế hoạch và thực hiện Đề án “nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030 hiện nay đang tổng hợp hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Hàng năm, tiến hành rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố; các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án PCTT & TKCN phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương nhằm thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; phân công thường trực 24/24h để theo dõi diễn biến thiên tai, sẵn sàng chỉ đạo, đối phó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh; kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố….
Đảm bảo các công trình trước mùa mưa bão
Kết quả kiểm tra, rà soát hầu hết các hồ chứa, đập dâng hiện vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên sau mùa mưa, lũ năm 2022 diễn biến phức tạp một số hồ chứa trong quá trình tích nước cao đã xuất hiện hiện tượng thấm qua thân đập như: Hồ Phai Danh (Bình Gia), Phai Thuống, Khau Hường, Khuôn Ngần (huyện Bắc Sơn), hồ Hua Khao, Cao Lan, Kéo Quân, Khuổi Hin (huyện Tràng Định); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện rà soát các công trình có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn các huyện, chỉ đạo cơ quan chuyên môn đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao thường xuyên kiểm tra, cử cán bộ theo dõi 24/24h diễn biến mực nước hồ, chủ động thực hiện các biện pháp hạ thấp và duy trì mực nước hồ đảm bảo an toàn, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với diện tích đất canh tác nằm trong khu vực phục vụ tưới của hồ chứa cho phù hợp, hạn chế thiệt hại do thiếu nước sản xuất cho người dân trong khu vực.
Về các đập dâng nhìn chung vẫn đang hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả tưới công công trình. Tuy nhiên, một số đập dâng đã có một số hư hỏng tại các hạng mục bao gồm các đập dâng: Khuổi Mịt (Tràng Định); Tân Thanh, hệ thống đập dâng Hội Hoan, Thanh Long, Lũng Mười, Còn Ngòa, Na So (Văn Lãng), Pàn Mò, Pắc Dầu, Khuổi Tà (Đình Lập); Nà Phúc, Nà Nhì, Nà Lốc (Chi Lăng) với các mức độ hư hỏng khác nhau như thân đập bị rò rỉ, xuống cấp đổ vỡ bê tông sân tiêu năng, đổ tường cánh, nước thấm qua thân đập, sân tiêu năng bị xói mòn... Đơn vị quản lý khai thác đã xây dựng phương án sửa chữa nâng cấp trong thời gian tới để đảm bảo an toàn các công trình trong mùa mưa bão.
Hệ thống kênh mương có một số tuyến mương bị hư hỏng như hồ Nà Tâm, hồ Bó Diêm (Thành phố Lạng Sơn); mương đập dâng Khuổi Mịt (Tràng Định); thủy luân Na Sầm, trạm bơm Nà Mò, hệ thống trạm bơm Tân Mỹ, hệ thống đập dâng Tân Thanh, hệ thống đập dâng Hội Hoan, hệ thống đập dâng Thanh Long, đập dâng Lũng Mười, đập Còn Ngòa, đập Na So (Văn Lãng); đập dâng Pàn Mò, đập dâng Pác Dầu, đập dâng Khuổi Tà (Đình Lập); Đập dâng Nà Phúc, đập dâng Nà Nhì, đập Nà Lốc đập Cao Lan (Chi Lăng). Các tuyến mương dẫn ở các công trình hồ đập nêu trên do được xây dựng và kiên cố từ lâu nên nhiều đoạn tuyến bị hư hỏng với nhiều mức độ khác nhau như bị xói, sạt lở, nứt, vỡ, rò rỉ thất thoát nước, chưa được kiên cố... Một số công trình có kênh mương hư hỏng cục bộ với khối lượng không lớn đã và đang tiếp tục sửa chữa, khắc phục bằng sửa chữa thường xuyên công trình thủy lợi năm 2023.
Các đơn vị quản lý các hồ chứa kiểm tra thường xuyên thông qua phân tích, đánh giá tài liệu đo đạc và quan sát đập bằng trực quan tại hiện trường. Vào thời điểm trước khi bước vào mùa mưa lũ, các đơn vị đều tiến hành kiểm tra, đánh giá chung về ổn định đập; theo dõi diễn biến thời tiết, hạ thấp mực nước hồ khi cần thiết để có dung tích phòng lũ; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, các Sở, ngành, địa phương để xây dựng hoặc cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão của hồ chứa và phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du.
Hình ảnh mưa lũ năm 2022 tại xã Văn Quan (huyện Chi Lăng). |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phùng Văn Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND Chi Lăng cho biết: Dưới sự chỉ đạo kịp thời trực tiếp của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng các xã, thị trấn trong việc đối phó với lũ, công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCTT và TKCN, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn huyện cơ bản đã được các ngành, các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
“Để ứng phó trước mùa mưa bão, huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và cấp ủy Đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án kiểm tra thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; kế hoạch, đề án hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ ngay trong năm 2022 và hàng năm, theo từng giai đoạn, bố trí nguồn lực thích đáng để triển khai thực hiện có hiệu quả, dứt điểm các nhiệm vụ đã đề ra”.
Bên cạnh đó, xây dựng phương án ứng phó bão mạnh và siêu bão theo cấp độ rủi ro thiên tai. Huyện thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, lập phương án sửa chữa kịp thời các công trình hư hỏng đảm bảo an toàn các hồ đập, máy móc, thiết bị các trạm bơm nước, trong và sau mùa mưa bão. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó sự cố, thiên tai. Đồng thời, tích cực phổ biến kiến thức về bão, lũ; lũ quét, sạt lở đất, đá… đến mọi người dân nhằm nâng cao khả năng tự phòng, tránh, ông Nghĩa cho biết thêm.
Phượng Nguyễn
Theo