(Xây dựng) - Trên địa bàn Thành phố Hà Nội, nhiều đoạn lan can được lắp để đảm bảo an toàn cho người đi bộ cạnh con sông. Tuy nhiên, lan can hai bên vệ bờ sông như Tô Lịch, Kim Ngưu… bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn cho người dân.
|
Theo ghi nhận, dọc bờ sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều đoạn lan can bảo vệ ven sông xuống cấp nghiêm trọng. |
Sông Tô Lịch, Kim Ngưu là nơi tiêu thoát nước của Thành phố Hà Nội. Được biết, Thành phố Hà Nội đã lắp đặt hệ thống lan can dọc bờ sông để giảm thiểu nguy cơ xảy ra những vụ trượt ngã, đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, khi đi khảo sát thực tế lan can bảo vệ 2 bên bờ ở một số đoạn mà các dòng sông này chảy qua, lan can bảo vệ đang dần xuống cấp theo thời gian, có dấu hiệu bị nghiêng ngả nặng nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp mặc dù đã có nhiều phản ánh, kiến nghị từ phía người dân.
Thậm chí có những đoạn không còn lan can, người dân phải cắm cành cây, giăng dây, bao bì… để cảnh báo khu vực sông nguy hiểm. Điều này vô tình khiến bờ sông trông như bãi rác, nhiều người dân lợi dụng để vứt rác sinh hoạt bừa bãi ngay tại ven sông hay các vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè.
Hình ảnh “nhếch nhác” này vẫn xuất hiện ngay trong khu vực nội thành, gây mất mỹ quan đô thị, làm xấu hình ảnh Thủ đô xanh - sạch - đẹp. Nhà nằm đối diện dòng sông Kim Ngưu, ông Nguyễn Thế Cương không khỏi lo lắng khi chứng kiến những lan can bảo vệ ngày càng hoen gỉ, xuống cấp, đứt đoạn và có khi bị mất trộm theo năm tháng.
“Lan can bị như thế này lâu lắm rồi nhưng mà mãi chưa thấy đơn vị nào đến sửa chữa. Có những đoạn không có lan can, người dân sợ bị lao xuống nên cũng đành tự chăng dây buộc chắn tạm thời”, ông Cương cho hay.
|
Không khó để bắt gặp các cột lan can gỉ sét, hư hỏng, nghiêng đổ, chân cột bị ăn mòn, thậm chí nhiều đoạn còn không thể trụ được. |
|
Nhiều cây cầu dành cho người đi bộ qua đường nhưng lại bị mất lan can ở hai bên lan can ngang. |
Đi bộ qua cầu sông Kim Ngưu, bà Tâm (75 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Mỗi lần đi qua tôi đều cảm thấy bất an, chỉ cần trượt chân là có thể ngã bất cứ lúc nào, mà đi đường khác thì xa”. Bà cho biết thêm, mỗi buổi chiều có rất nhiều người lớn tuổi đi tập thể dục hai bên bờ sông Kim Ngưu, việc lan can bị hư hỏng, nhiều người thừa cơ hội lấn chiếm làn đường để đồ sinh hoạt gia đình tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.
|
Lan can bảo vệ “tạm thời” được người dân bất đắc dĩ dùng dây chắn hoặc dùng cành cây che chắn tạm những chỗ lan can bị hư hỏng nhưng điều này lại làm gây mất mỹ quan đô thị. |
|
Đoạn lan can gần nút giao Láng - Cầu Giấy cũng xuất hiện đoạn dây căng và lưới đen bảo vệ bị trùng xuống, mục nát theo thời gian. |
|
Một trong những biển cảnh báo hiếm hoi ở những đoạn lan can bảo vệ bị mất. Tuy nhiên lại không có một vật cản nào ở khoảng trống rộng 3m này. |
|
Trên tuyến đường Láng (cây xăng gần khu vực Ngã Tư Sở), nhiều đoạn lan can mất hết song sắt, rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và an toàn. |
|
Tại tuyến phố khu vực Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xuất hiện nhiều đoạn lan can bị hư hỏng nặng nề, vật liệu xây dựng, rác thải vứt ngổn ngang dưới kệ sông. |
|
Rác thải bị vứt tràn lan trên vỉa hè đoạn đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) cùng với hình ảnh lan can hỏng tạo ra hình ảnh không đẹp trong mắt người dân và khách du lịch khi tới Hà Nội. |
|
Vỉa hè trên đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng không tránh khỏi tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, rất nhiều đoạn xảy ra tình trạng ôtô, xe máy đỗ trái phép trên vỉa hè. |
|
Cành cây gãy lấn chiếm lối dành cho người đi bộ, dựa vào lan can lâu ngày nhưng không được ai xử lý gây tác động trực tiếp tới độ bền của lan can bảo vệ ven bờ sông. |