(Xây dựng) - Lâm Bình là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang. Địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao chủ yếu là núi đá vôi, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn huyện có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Đây là những tiềm năng để Lâm Bình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch cộng đồng (Homestay)...
Nhiều hoạt động văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan và du lịch (ảnh: Xuân Cường). |
Ông Cao Văn Minh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình cho biết, những năm gần đây, nhằm phục vụ phát triển du lịch xanh, huyện đã tăng cường vận động và hướng dẫn, tổ chức cho các hộ làm dịch vụ homestay đi tham quan học tập kinh nghiệm để làm du lịch xanh. Hầu hết hiện nay, tại các homestay trên địa bàn huyện đều sử dụng các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình và phục vụ du lịch bằng đồ đan lát từ mây, tre, nứa, lá, góp phần hạn chế rác thải nhựa và tạo ra không gian thân thiện với môi trường cho du khách.
Từ cuối năm 2016, huyện đã triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (homestay) đối với 15 hộ trên địa bàn các xã (Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can), đến nay tổng số hộ cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng tăng lên trên 50 hộ (thêm các xã Phúc Yên, Thổ Bình, Hồng Quang, Phúc Sơn); khuyến khích đầu tư các dịch vụ cho khách trải nghiệm: Thuyền Kayak, thuyền vận chuyển khách du lịch; các sản phẩm quà lưu niệm: Sản phẩm từ tre (Hợp tác xã An nhiên phát, Hợp tác xã Nhật Minh), dệt thổ cẩm, dịch vụ cưỡi ngựa...
Đến homestay Hoàng Cát, thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chúng tôi như ngập tràn trong không gian của thiên nhiên và hoa lá. Từ những vật dụng nhỏ nhất như giỏ chứa rác, cốc uống nước, mâm cơm, bát, đũa, ghế ngồi, bàn uống nước, lọ hoa, khung tranh hay các điểm cho du khách check-in đều được làm từ những vật liệu như mây, tre, giang, nứa.
Do đó, để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch tại địa phương, thời gian qua, huyện đã tiến hành quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích người dân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch. Từ đầu năm 2016, huyện đã bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại 4 điểm, với 15 hộ dân tham gia; thành lập Tổ công tác của huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng hộ, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ các hộ thực hiện việc xây dựng mô hình; tổ chức cho các hộ dân tham quan, học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên...
UBND huyện đã triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của tỉnh nhất là Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 của HĐND tỉnh về ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang; huy động vốn, thu hút đầu tư, từng bước phát triển kinh tế du lịch. Tập trung tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Sơn, thị trấn Lăng Can và khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế: Phát triển và nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng (Homestay), khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch (các dịch vụ trải nghiệm, quà lưu niệm...), từng bước phát triển các sản phẩm du lịch mới: Khám phá rừng nguyên sinh, hang Khuổi Pín...
Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về du lịch cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho du khách; tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống, thực hiện chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh… để phục vụ khách du lịch.
Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, huyện Lâm Bình đã đón trên 152.000 lượt khách đến tham quan, tăng hơn 65.000 lượt khách so với năm 2018. Nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch nên đời sống của người dân trên địa bàn huyện từng bước được cải thiện, góp phần giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm tại homestay. |
Năm 2024, huyện Lâm Bình phấn đấu đón trên 175 nghìn lượt khách du lịch. Trong thời gian tới, để du lịch Lâm Bình phát triển, huyện sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp tuyến đường Thổ Bình - Minh Quang, tuyến đường Thổ Bình - Bình An, tuyến đường từ Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Lâm - đèo Ái Au, nâng cấp đường thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, đầu tư xây dựng điểm thu phí và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác thu phí dịch vụ du lịch.
Xây dựng 2 điểm du lịch nông thôn, trồng hoa và làm các điểm check-in tại đèo Khau Lắc. Đề xuất UBND tỉnh quy hoạch các điểm du lịch mới trên địa bàn huyện. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Điểm du lịch cộng đồng thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang…
Triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy các thế mạnh thiên nhiên sẵn có, di sản văn hóa, lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khu vực Na Hang - Lâm Bình. Nhất là nghi lễ Nhảy lửa huyền bí của dân tộc Pà Thẻn.
Đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu về du lịch; xây dựng các ấn phẩm, tạp chí, chương trình truyền hình, chuyên trang mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok…) giới thiệu các điểm đến du lịch của địa phương; xây dựng và vận hành Website “du lichlambinh.gov.vn”, chuyên mục Du lịch trên Cổng thông tin điện tử của huyện, fanpage: Du lịch Lâm Bình, Tuyên Quang…
Văn Nhất
Theo