(Xây dựng) - Ngành công nghiệp Việt Nam, nhiều loại linh kiện, vật liệu phụ thuộc đáng kể vào nước ngoài. Nhưng nay nhiều doanh nghiệp quyết đầu tư tiền của, công sức để phục vụ nhu cầu trong nước; không chỉ thay thế hàng nhập khẩu mà còn xuất đi nước ngoài.
Hàng Việt “thừa sức” cạnh tranh hàng nước ngoài
“Khi trở thành nhà thầu của nhiều dự án ODA ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp châu Âu, Mỹ đã có ý định đưa các linh kiện, sản phẩm của họ sang để triển khai dự án theo các quy định của hợp đồng ODA. Thế nhưng, họ nhận ra rằng việc cố tình đưa sản phẩm từ nước họ sang là không hiệu quả. Ví dụ về một dự án của Phần Lan ở Bắc Kạn, nhà thầu nước ngoài chỉ định phải sử dụng ống nhựa từ Phần Lan mang sang. Tuy nhiên, sau khi xuống thăm nhà máy sản xuất ống nhựa của chúng tôi, họ thấy ống nhựa đạt tiêu chuẩn và tiết kiệm cho họ tới 30 - 35% chi phí. Cuối cùng họ lại dùng sản phẩm của Europipe”.
Đó là câu chuyện được ông Tô Văn Nhật - Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao chia sẻ với phóng viên về việc các sản phẩm mang thương hiệu Việt thâm nhập vào những công trình, dự án lớn.
Dẫn tiếp câu chuyện đầu tư sân golf Tràng An ở Ninh Bình, lãnh đạo Amaccao chia sẻ: Trước đây chuyên gia phía Mỹ tư vấn cho doanh nghiệp Xuân Trường sử dụng sản phẩm của Thái Lan và Mỹ để làm hệ thống tưới tiêu sân golf Tràng An. Sau đó, chúng tôi tiếp cận và mời họ lên thăm Nhà máy Europipe. Chỉ cần nhìn dây chuyền sản xuất của chúng tôi, họ ngay lập tức thay đổi, sử dụng toàn bộ sản phẩm ống và phụ kiện cấp thoát nước Europipe cho sân golf Tràng An thay vì phải nhập khẩu.
“Đó là một trong rất nhiều ví dụ mà chúng tôi thấy rằng chỉ cần làm ra sản phẩm chất lượng, hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm từ nước ngoài”, ông Tô Văn Nhật hào hứng.
Thay thế hàng nhập khẩu, giữ lại USD cho đất nước
Vậy nhưng, đến nay không có nhiều doanh nghiệp làm được những điều như thế. Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ cho sản xuất trong nước vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Mỗi năm, doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để nhập nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ sản xuất như điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da - giày... Điều đó có nghĩa, hàng chục tỷ USD đã "chảy vào túi" của các đại gia nước ngoài.
Đơn cử, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 0,7 tỷ USD (17.54%), Hàn Quốc là 1,14 tỷ USD (28,57%) và Nhật Bản là 0,72 tỷ USD (18,04%).
Cũng trong năm này, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%).
Để giữ lại những đồng USD cho đất nước, không có cách nào khác là phải chăm chút cho những doanh nghiệp “nội” như Amaccao vươn lên và phát triển. Bản thân từng doanh nghiệp cũng phải chủ động nhận ra vai trò của mình trong việc định vị lại chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng này. Đây không phải việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều, nhưng không bắt đầu từ bây giờ, những yếu kém kinh niên của nền công nghiệp chế biến - chế tạo sẽ không dễ gì khắc phục, khoảng cách giữa doanh nghiệp “nội” với những doanh nghiệp nước ngoài khác sẽ không dễ gì xóa nhòa.
Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp cần đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài nước.
Giống như lãnh đạo Amaccao chia sẻ, để mỗi sản phẩm làm ra được đón nhận và mở rộng tầm phủ sóng, Công ty này đã bỏ ra vài trăm tỷ đồng nâng mức đầu tư cho nhà máy Vonta cơ khí dây chuyền cửa phòng cháy chữa cháy, vách kính phòng cháy chữa cháy. Đồng thời nhập gần 30 máy ép để ép các chi tiết nhựa trong phụ kiện ngành điện như bóng đèn led, máng đèn, vỏ công tắc, ổ cắm, vỏ tủ điện nhựa, phụ kiện âm tường…
Cùng với đó, Amaccao đẩy mạnh phát triển các thương hiệu trên nền tảng liên doanh với các tập đoàn, các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước cho các sản phẩm như van đồng xuất khẩu, hướng đến mục tiêu thành lập Tập đoàn xuất khẩu vật liệu đồng hàng đầu đất nước và khu vực.
Nhà máy Vonta Electric đã ký hợp đồng phân phối độc quyền máy đóng cắt (aptomat) cho Siemems (công ty điện số 1 thế giới) tại Việt Nam, hợp tác với các chuyên gia, các đơn vị hàng đầu của Đức sản xuất thiết bị phụ kiện đồng trong các công tắc, ổ cắm, aptomat lắp đặt tại Việt Nam, tủ điện, thiết bị bảng, mạch driver cho đèn led tại Việt Nam.
Nỗ lực được đền đáp
Những nỗ lực ấy rồi cũng được đền đáp, thể hiện rõ nhất trong thời dịch Covid-19 đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới. Những sản phẩm “made in Vietnam” đã từng bước đẩy lùi hàng nhập khẩu và vươn ra thế giới.
Theo báo cáo của Tập đoàn Amaccao, trước đây các đơn vị tiêu dùng trong nước hay nhập khẩu các thiết bị và vật liệu như van, vòi, sản phẩm ngành điện, ngành nước đặc thù từ Trung Quốc và các nước khác, thì nay đã chuyển sang nhập khẩu của các công ty thuộc Tập đoàn Amaccao,. Điều này làm cho đơn hàng của đơn vị này tăng vọt trong 3 tháng ở những dòng sản phẩm như van và các sản phẩm cơ khí phụ kiện kim loại màu, vật liệu và phụ kiện ngành nước, vật liệu và phụ kiện ngành điện (công tắc, ổ cắm, ống luồn dây và phụ kiện âm tường ngành điện, ổ cắm thông minh, sạc điện thoại, tủ điện, đèn led…)
Các nhà sản xuất trong nước, các liên doanh và các tập đoàn lớn trước đây cũng nhập hàng vật liệu, thiết bị chủ yếu từ Trung Quốc thì sau khi bị dịch Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung đã tìm nhà cung cấp thay thế và đã tìm đến Amaccao,, gia tăng thêm khách hàng từ trong nước cho tập đoàn sử dụng các sản phẩm van gas và van bình nóng lạnh, phụ kiện đồng cho thiết bị vệ sinh, các vật liệu và thiết bị ngành điện nước…
Trong bối cảnh toàn cầu hoá sâu rộng như hiện nay, việc doanh nghiệp chủ động đầu tư trang thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt như thế sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm giá trị Việt, góp phần đưa đất nước rút ngắn thời gian bắt kịp các nước đi trước.
Không còn dựa dẫm vào tăng trưởng dựa trên tài nguyên, phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, việc tăng trưởng dựa vào sự đổi mới kỹ thuật sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh như Amaccao đang làm là hình mẫu đáng để nhiều nơi dõi theo.
Những dẫn chứng kể trên là cơ sở để chúng ta kỳ vọng một ngày nào đó, các sản phẩm mang “linh hồn Việt” sẽ có mặt ở hầu khắp các công trình, dự án lớn, không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới. Chặng đường dài sẽ phải đi, nhưng con đường mà những doanh nghiệp như Amaccao, đang đi là tất yếu để chúng ta có thể mơ về một nền sản xuất hiện đại, về một đất nước tự lực tự cường.
Hải Nam
Theo