(Xây dựng) – Theo Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam của World Bank, kinh tế đã phục hồi trong quý III với mức tăng trưởng đạt 2,62% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn mức tăng trưởng 0,39% của quý II (so với cùng kỳ năm trước).
Ảnh minh họa. |
Tốc độ phục hồi kinh tế vững chắc hơn do tăng trưởng của chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ đều tăng gấp đôi trong tháng 9 so với tháng 8.
Dù các điều kiện trên thị trường lao động đang dần trở lại bình thường kể từ khi hết giãn cách xã hội vào cuối tháng 4, tỷ lệ việc làm và tỷ lệ tham gia lao động đều tiếp tục giảm, gây ra những tác động lớn hơn ở khu vực thành thị.
Khu vực đầu tư nước ngoài có khả năng phục hồi tốt do thặng dư thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt 16,9 tỷ đô la Mỹ trong 9 tháng đầu năm 2020, trong khi cam kết vốn FDI tăng từ 720 triệu đô la Mỹ trong tháng 8 lên khoảng 1,5 tỷ đô la Mỹ vào tháng 9.
Lạm phát giảm so với tháng 7 và tháng 8, ở mức 3,2% (so với cùng kỳ năm trước) cho tháng 9.
Tín dụng của cả nền kinh tế tiếp tục tăng khiêm tốn, khoảng 10,2% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 9, gây áp lực ngày càng lớn lên những ngân hàng thương mại đang phải đối mặt với lợi nhuận giảm dần. Dư địa tài khóa đang dần bị thu hẹp do nguồn thu giảm và chi ngân sách vượt dự kiến ban đầu, trong khi Chính phủ tiếp tục vay từ thị trường trong nước với lãi suất thấp (trung bình 2,6%) và kỳ hạn dài (15-30 năm).
Trong thời gian tới, sự phục hồi kinh tế dường như ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng hơn, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3,0% vào năm 2020 (WB dự báo là 2,8%). Do bất ổn cả trong và ngoài nước, Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến việc giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính công và khu vực tài chính.
Sau khi rơi vào suy thoái kỷ lục trong quý II với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,39%, tăng trưởng đã phục hồi và tăng lên đến 2,62% (so với cùng kỳ năm trước) trong quý III. Tổng thể, nền kinh tế tăng trưởng 2,1% trong 9 tháng đầu năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng đạt 7,0% trong cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn là một kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu.
Ở cấp độ ngành, các ngành công nghiệp tăng trưởng 3,08% từ tháng 1 đến tháng 9, tiếp theo là nông nghiệp (1,84%) và dịch vụ (1,37%). Ngành dịch vụ có sự sụt giảm lớn nhất vì cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề nhất đến cả ngành du lịch và giao thông vận tải. Số lượng khách du lịch nước ngoài giảm 70% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Thanh Nga
Theo