(Xây dựng) - Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng gồm 21 thành viên. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng là Tổ trưởng. |
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị ký ban hành Quyết định về việc kiện toàn Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng.
Theo Quyết định, Tổ công tác bao gồm 21 thành viên. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng là Tổ trưởng Tổ công tác. Tổ phó Tổ công tác gồm: Ông Đậu Minh Thanh, Chánh Văn phòng Bộ (Tổ phó thường trực); Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Thông tin.
Tổ công tác thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của Bộ.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp Bộ trưởng chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về cải cách thủ tục hành chính của Bộ theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng ban hành.
Kịp thời nắm bắt, giúp Bộ trưởng chỉ đạo xử lý các báo cáo, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người dân về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Trong đó, bao gồm cả những quy định dự kiến ban hành trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng. Định kỳ hoặc đột xuất đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức liên quan để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc và kịp thời chỉ đạo tháo gỡ.
Đồng thời, giúp Bộ trưởng chỉ đạo tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách của Bộ; Nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Ý Nhi
Theo