(Xây dựng) - Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản góp ý một số quy định về phát triển quỹ đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Ảnh minh họa (Internet). |
Theo đó, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy, trước hết cần quán triệt Nghị quyết của Đảng và quy định của Hiến pháp, pháp luật về sở hữu đất đai, theo đó đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu để luật hóa vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo “Chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hoà về lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...”.
Bên cạnh đó, chính sách tài chính về đất đai bao gồm nhiều nội dung, vì vậy, Hiệp hội xin được góp ý về cơ chế phát triển quỹ đất của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đổi mới tư duy kinh tế về đất đai thể hiện trong quy định Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư và cơ chế Quỹ phát triển đất ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất để thực hiện các dự án tạo quỹ đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho các dự án khác.
HoREA cho rằng, so với Luật Đất đai 2013 chỉ có “Điều 68. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đã thu hồi” và “Điều 111. Qũy phát triển đất” (gồm 02 điều), nhưng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nâng nội dung này lên thành “Chương VIII. Phát triển quỹ đất” với 05 điều (Điều 107 - Điều 111) cùng với “Chương XI. Tài chính về đất đai, giá đất” nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, để đất đai trở thành động lực của nền kinh tế và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai...
Về vai trò, vị trí, nhiệm vụ và nguồn thu tài chính, nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển đất, HoREA nhận thấy, Điều 109 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của Quỹ phát triển đất được tiếp nhận từ 3 nguồn: Được phân bổ từ ngân sách Nhà nước; Huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật; Khoản 3 Điều 109 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “3. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất”.
Nhưng HoREA nhận thấy, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, ngay cả Thành phố Hồ Chí Minh thì nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 cũng chỉ có 11.229 tỷ đồng. Vì thế, nếu trích 10% thì cũng chỉ được 1.122 tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất và Tổ chức phát triển quỹ đất.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét bổ sung thêm nguồn thu từ việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương để tạo nguồn tài chính cho Quỹ phát triển đất.
Khôi Nguyên
Theo