(Xây dựng) - Mới đây, tỉnh Hải Dương đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về chủ trương lập khu kinh tế chuyên biệt trên địa bàn các huyện Bình Giang – Thanh Miện. Nếu được thông qua, khu kinh tế chuyên biệt này sẽ trở thành động lực, tạo đà giúp Hải Dương bứt phá.
Đường trục Đông – Tây tỉnh Hải Dương qua địa bàn các huyện Thanh Miện, Bình Giang góp phần hoàn thiện hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư. |
Thời gian qua, Hải Dương đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xây dựng vùng lõi để tạo động lực cho nền kinh tế trong tương lai, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Nằm trong định hướng phát triển chung của cả nước, Hải Dương đã xác định mục tiêu phát triển xuyên suốt, bao trùm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế của tỉnh. Trong đó ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái... Đây cũng là chiến lược để tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, gắn sản xuất vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo nội dung đề xuất của Hải Dương, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch khu kinh tế chuyên biệt rộng khoảng 10.820ha, trong đó có 5.760ha thuộc huyện Bình Giang, diện tích còn lại thuộc huyện Thanh Miện. Vị trí nghiên cứu là khu vực sát nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Đường tỉnh 392. Đây là khu vực đã được tỉnh Hải Dương xác định là vùng phát triển kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế lớn so với các khu vực khác vì có quỹ đất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, thuận lợi để phát triển thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ lớn. Khu kinh tế chuyên biệt nằm trong hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Quảng Ninh, thuận lợi về kết nối giao thông liên vùng với các cảng biển, cảng hàng không, các tuyến cao tốc, vành đai thủ đô, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nên sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế. Hải Dương đã xác định khu kinh tế chuyên biệt sẽ phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ; trung tâm logistics, trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng; các khu phi thuế quan; đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại, cung cấp quỹ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ công nghiệp...
Ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Bình Giang nhận định, huyện Bình Giang hội tụ đầy đủ điều kiện về hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, lao động… để thu hút các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với trách nhiệm của mình, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, ủng hộ chủ trương lớn của tỉnh, sẵn sàng bàn giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án nếu được Chính phủ chấp thuận. Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, bảo đảm thuận lợi trong giao thông, vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp. Việc phát triển các khu kinh tế gắn với phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, có khả năng kết nối thuận lợi với các trục hành lang kinh tế khu vực và quốc tế đã giúp Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc tế, phát triển thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Thực tế chứng minh, các khu kinh tế tại các tỉnh, thành phố đã mở ra những vận hội lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. “Nếu được thành lập, khu kinh tế chuyên biệt sẽ tạo đà cho Hải Dương nói chung, Bình Giang nói riêng phát triển bứt phá trong thời gian tới”, ông Kiên khẳng định.
Cùng quan điểm này, ông Nhữ Văn Cúc - Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: Những năm qua, Thanh Miện gần như là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương do không có lợi thế về giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh. “Việc xây dựng khu kinh tế chuyên biệt với những ưu đãi cụ thể sẽ thu hút các doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư trên địa bàn. Điều này giúp Thanh Miện có điều kiện phát triển bứt phá, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, ông Nhữ Văn Cúc chia sẻ.
Để xây dựng thành công vùng kinh tế chuyên biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện Bình Giang, Thanh Miện khảo sát, xây dựng quy hoạch vùng công nghiệp động lực để cập nhật vào các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hải Dương cũng đang thực hiện lập đồng bộ các quy hoạch như quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất... nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo giữa các quy hoạch, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương, việc thành lập khu kinh tế chuyên biệt rất phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. “Khu kinh tế chuyên biệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực tăng trưởng mới, bứt phá cho tỉnh Hải Dương nói riêng, khu vực đồng bằng sông Hồng và toàn miền Bắc nói chung. Khu kinh tế chuyên biệt của tỉnh được định hướng sẽ phát triển toàn diện và bền vững với mô hình công nghệ cao - đô thị - dịch vụ sinh thái và trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam. Ở đây sẽ tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng, đáp ứng toàn bộ chuỗi giá trị đổi mới và công nghệ cao", ông Đoàn nói.
Các nhà đầu tư Ấn Độ ký biên bản quyết định đầu tư công viên dược tại Hải Dương. |
Thời gian qua, Hải Dương đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước, nhất là các tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tìm hiểu đầu tư, đề xuất các dự án lớn như các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm logistics... Hải Dương cũng đang nỗ lực xúc tiến nhằm kêu gọi các “đại bàng” đầu tư vào các lĩnh vực được định hướng ưu tiên thu hút đầu tư. Việc đề xuất thành lập khu kinh tế chuyên biệt sẽ góp phần đón đầu, thu hút luồng vốn đầu tư mới trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đang diễn ra mạnh mẽ. Mới đây nhất, một tập đoàn dược phẩm Ấn Độ đã đề xuất xây dựng công viên dược phẩm quy mô 960 ha, giá trị kinh phí đầu tư lên tới 10 tỷ Đô la Mỹ trên địa bàn huyện Bình Giang. Điều này thể hiện sức hút trong thu hút đầu tư của tỉnh Hải Dương cũng như những lợi thế mà khu kinh tế chuyên biệt đem lại cho doanh nghiệp.
Chủ trương thành lập khu kinh tế chuyên biệt thể hiện khát vọng vươn lên, sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương nhằm đưa Hải Dương phát triển bứt phá tương xứng với tiềm năng, lợi thế của xứ Đông xưa.
Vị Thủy
Theo