(Xây dựng) - Từ lâu nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được thế giới biết đến với tên gọi Mekong Delta, còn cư dân nơi đây thường gọi là “Cửu Long - Chín Rồng” Đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên quí giá, là vùng nông nghiệp lớn nhất nước, qua gần 50 năm xây dựng và phát triển (30/4/1975 - 30/4/2024), “Chín Rồng” đã và đang chuyển mình thức giấc với khát vọng thịnh vượng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham gia hợp long cầu Mỹ Thuận 2. |
Vùng đất “Chín Rồng” là nơi hai nhánh sông (Tiền và Hậu) của dòng sông Mekong huyền thoại mang phù sa bồi đắp nên miệt vườn sông nước Cửu Long. “Chín Rồng” sông rạch chằng chịt, là lợi thế đường thủy nhưng là điểm nghẽn giao thông đường bộ. Nhiều thế kỷ trước, người dân “lục tỉnh Nam Kỳ” qua sông phải lụy đò và ước mơ ngày nào đó xây dựng các cầu bắc qua sông Tiền và sông Hậu để giao thông thông thương hơn.
Nhiều thế hệ mong chờ xây dựng những cây cầu bắc qua sông để qua sông không phải lụy đò nhưng nhịp thời gian dần trôi qua hết thời Pháp, rồi thời Mỹ, sông Tiền, sông Hậu vẫn lững lờ trôi. Mãi đến năm 2000, cầu dây văng lớn nhất Việt Nam - cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, nhịp cầu 2 thế kỷ (thế kỷ XX - XXI) khánh thành đã đáp ứng mong đợi hàng trăm năm. Cư dân vùng đất “Chín Rồng” khắp nơi đua nhau về xem “dung nhan” cầu Mỹ Thuận mà bấy lâu nay hằng mong ước đã làm ách tắc giao thông từ sáng đến chiều. Chưa có sự kiện khánh thành cầu nào mà người dân đến xem đông như vậy.
Đến năm 2003, cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu khánh thành, tuyến đường Cần Thơ -TP.HCM qua sông đã không còn phải lụy đò, thời gian đã rút ngắn của tuyến đường này xuống còn 3 - 4 giờ (trước đây qua sông bằng phà phải mất 6-8 giờ), QL1 thông thương đưa hàng hóa nông thủy hải sản từ “Chín Rồng” về TP.HCM xuất cảng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tham dự Lễ khởi công xây dựng đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tại đầu cầu Hậu Giang. |
Không chỉ mở đường QL1, các cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, cầu Hàm Luông bắc qua sông Hàm Luông, cầu Cổ Chiên bắc qua sông Cổ Chiên, cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, cầu Vàm Cống, cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu và tương lai gần sẽ là cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối liền Trà Vinh - Sóc Trăng khánh thành… hình thành kết nối tuyến đường nội vùng và TP.HCM thông thương, qua sông không còn lụy đò, là ước mơ ngàn đời của cư dân miền sông nước Cửu Long, là điểm tựa để “Chín Rồng” vươn lên thịnh vượng, giàu có. Các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh là “ốc đảo” hôm nào nay đã được các cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ chiên… đã bắc qua sông đã trở thành vùng đất mới khởi sắc với bao hứa hẹn của đầu tư, du lịch; Đồng Tháp hôm nào là vùng đất “khuất nẻo” nhưng khi cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền và cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu hình thành, Đồng Tháp không còn “khuất nẻo” mà là điểm đến lý tưởng đầu tư, du lịch…phát triển phồn thịnh hơn.
Cầu đã bắc qua sông, đường đã và đang đầu tư mở rộng, cuối năm 2023, tuyến đường cao tốc TP.HCM - TP Cần Thơ đã nối liền. Thời gian từ TP.HCM - TP Cần Thơ rút ngắn còn khoảng 2 - 2giờ 30 phút. Tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang tất bật triển khai dự kiến đến 2025 hoàn thành. Cuối năm 2023, trong chuyến đi thị sát tại tỉnh Cà Mau, tuyến đường cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) có tổng chiều dài 73,22 km tuyến chính và 16,6 km tuyến nối; trong đó, chiều dài qua địa bàn tỉnh Hậu Giang hơn 26 km; tỉnh Bạc Liêu khoảng 7,7 km; tỉnh Kiên Giang hơn 17 km và qua Cà Mau gần 22 km tuyến chính, 16,59 km tuyến nối. Tổng mức đầu tư dự án trên 17.152 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án: “Phải làm bằng được tuyến cao tốc Bắc Nam, trong đó có đoạn qua Cà Mau, trong nhiệm kỳ này, không lùi tiến độ, chuẩn bị dự án cao tốc TP Cà Mau - Đất Mũi theo hướng ngắn nhất, thẳng nhất có thể…”. Như vậy, tương lai gần, cao tốc TP.HCM - Đất Mũi sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, cùng đó là tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ, Sóc Trăng cùng hoàn thành nữa, chắc rằng diện mạo “Chín Rồng” sẽ thay đổi và khởi sắc hơn. Cầu đã bắc qua sông, đường đã mở thì mở mang giao thông, kinh tế phát triển như người xưa đúc đã kết “Đại lộ sinh đại phú”… Như vậy, khát vọng thịnh vượng “Chín Rồng” chắc rằng sẽ sớm trở thành hiện thực.
TP Cần Thơ đô thị trung tâm ĐBSCL đã nhiều đổi thay. |
Các chuyên gia kinh tế cho rằng “Chín Rồng” đang được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tại diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - Phát triển kinh tế ĐBSCL” do 789club ios phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ, PGS.TS, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trần Đình Thiên đặt câu hỏi: “Sứ mệnh quốc gia của ĐBSCL rất lớn, nhưng tại sao đến bây giờ dân vùng này vẫn nghèo tiền rất xa so với bình quân cả nước?” Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, có mấy lý do cơ bản, bao gồm vốn đầu tư cho vùng này luôn ở trạng thái “thấp bé nhẹ cân” hơn so với các vùng khác; đầu tư tư nhân và chi ngân sách cho vùng ĐBSCL cũng ở mức khiêm tốn hơn về mặt tỷ lệ so với các vùng khác. Tuy nhiên, có một điều rất may mắn là dù trình độ chưa cao, nguồn lực chưa mạnh nhưng nỗ lực của riêng ĐBSCL những năm qua là rất lớn khi Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vượt lên Top 5, 10 của cả nước. “Những nỗ lực của địa phương, của lãnh đạo là chưa đủ khi lực lượng doanh nghiệp của ĐBSCL yếu”, ông nói và cho rằng, có nhiều lý do, bao gồm cả sự ưu tiên, hỗ trợ, cơ chế chính sách và nguồn lực từ Trung ương chưa đủ… Từ thực trạng nêu trên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cả nước đang nợ đồng bào ĐBSCL và bây giờ bắt đầu trả nợ. “Đất nước đang tích cực trả nợ cho ĐBSCL nhưng vấn đề là trả nợ như thế nào? Việc khánh thành những công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là cây cầu Mỹ Thuận 2 được khánh thành là một câu trả lời thuyết phục nhất của Đảng, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân, từng bước trả sòng phẳng “món nợ” và xây dựng ĐBSCL đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, phát triển hơn…”
Huỳnh Biển
Theo