(Xây dựng) - UBND tỉnh Khánh Hòa đang tính đến nhiều phương án, trong đó như mở lại chợ truyền thống để cung ứng hàng hóa cho nhân dân và xây dựng phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, mất kiểm soát.
Phương án mở lại chợ truyền thống đang được chính quyền Khánh Hòa cân nhắc thực hiện. |
Có thể đưa chợ ra đường
Tính đến hết ngày 06/8/2021, trong đợt dịch này, Khánh Hòa có gần 3.100 ca nhiễm Covid-19. Dù toàn tỉnh đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa dự báo, dịch bệnh có khả năng còn tăng thêm trong các ngày tới.
Do nhu cầu đảm bảo lương thực, hàng hóa cho người dân là cấp bách, cộng thêm thời gian gần đây, loạt siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Khánh Hòa buộc phải đóng cửa do liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 nên UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải tính đến phương án có thể mở lại chợ truyền thống.
Tại buổi họp báo báo chí thường kỳ mới đây, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Do Covid-19 là dịch bệnh chưa có tiền lệ nên tỉnh Khánh Hòa vẫn còn lúng túng trong xử lý, đặc biệt là nhiệm vụ cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho nhân dân. Một số nơi mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có những cách làm rất sáng tạo...”.
Tới đây, các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu phương án mở lại các chợ truyền thống. Dự định là thế nhưng nếu mở lại chợ phải phù hợp với điều kiện giãn cách và đảm bảo các biện pháp an toàn phòng dịch.
Trong đó, việc ưu tiên tiêm ngừa Covid-19 cho đối tượng bán hàng tại các chợ truyền thống, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi cũng đang được UBND tỉnh Khánh Hòa tính tới. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến mới đây của Bộ Công Thương.
Mô hình chợ trong mùa dịch ở Indonesia. |
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có văn bản gửi các tỉnh, thành về việc rà soát, đánh giá để mở cửa trở lại đối với các chợ truyền thống. Đặc biệt, lưu ý những người làm việc ở các chợ khi mở lại phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin.
Kế hoạch ứng phó tình huống xấu nhất
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân trong trường hợp tất cả các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa khi giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Việc dự trữ hàng hóa, thực phẩm phải được tính toán chi tiết, ứng phó cho tình huống xấu nhất. |
Trong nội dung văn bản, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin: Khi dịch bệnh diễn biến xấu: “Các địa phương trong tỉnh chủ động phối hợp với Sở Công Thương Khánh Hòa tổ chức thực hiện các hình thức bán hàng online, bán hàng qua điện thoại. Đồng thời, xây dựng mô hình ‘mua hàng hộ - giao hàng tận nhà’ đến người dân”.
Trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp nhất, khi giãn cách cao hơn Chỉ thị 16, Khánh Hòa có thể sẽ dự trữ hàng hóa sẵn trong kho của các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng lương thực thực phẩm.
Hiện Khánh Hòa có 22 siêu thị, doanh nghiệp tham gia kế hoạch, liên tục báo cáo UBND tỉnh về số lượng, chủng loại hàng hóa. |
Cũng theo ông Hoàng, “kịch bản” nếu nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong tỉnh Khánh Hòa được huy động hết nhưng vẫn thiếu hàng, không đủ cung ứng cho người dân, UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Công Thương huy động nguồn hàng từ các địa phương lân cận và kêu gọi sự hỗ trợ từ các Tổng Công ty quản lý kinh doanh siêu thị trên địa bàn.
Công Hưng
Theo