(Xây dựng) - Cục Di sản văn hóa đã đồng ý thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh bao gồm 12 hạng mục. Ngoài ra, việc tu bổ, tôn tạo phải ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới.
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng vào năm 1793 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. |
Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích thành cổ Diên Khánh được UBND tỉnh giao Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu.
Theo Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản về việc thỏa thuận thiết kể bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Cục Di sản văn hóa đã đồng ý thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh bao gồm 12 hạng mục. Cụ thể, tu bổ, tôn tạo, phục hồi tuyến thành đất (hoàn thiện phần còn lại để tạo tuyến khép kín, gồm 6 đoạn tại các phía: Đông Bắc, Tây Nam, Đông Nam, Tây Bắc, sát cổng Nam, sát cổng Bắc); xây dựng tuyến đường lát gạch thẻ bên ngoài ranh giới bảo vệ phía trong thành; xây dựng 3 bãi đỗ xe; xây dựng 2 khu vệ sinh công cộng (tại tiểu công viên số 1 và số 3).
Cùng với đó là xây dựng cầu bắc qua hào nước ở cổng Bắc; xây dựng 5 tiểu công viên tại các góc thành; tôn tạo, chỉnh trang cầu cổng Đông, Tây, Nam; tôn tạo, xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho hộ thành hào, hệ thống thu gom nước thải; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng khu vực phía trong thành; nạo vét bùn đất, vệ sinh lòng hào và mái hào, chống thấm thành hào và đáy hào; xây dựng 1 trạm bơm; tôn tạo cây xanh dọc một bên của tuyến đường ranh giới bảo vệ phía trong thành.
Thành cổ được xây dựng theo một kiến trúc rất độc đáo kiểu Vauban. |
Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giá trị lịch sử của di tích.
Đồng thời, Cục Di sản văn hóa lưu ý việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào), nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành.
Đối với việc tôn tạo các gò đất tại tiểu công viên các vị trí trồng cỏ tại mái gò không làm dốc phẳng và tạo ra cung tròn hoàn chỉnh (tránh gây ra ý kiến trái chiều về cấu trúc vốn có của các góc thành), mà cần tạo thành các mái dốc bám theo đường đồng mức tự nhiên, chỉ san gạt cục bộ để tôn trọng tối đa địa hình hiện trạng…
Cục Di sản cũng lưu ý, các cơ quan liên quan tại địa phương chịu trách nhiệm đối với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.
Theo quyết định nói trên, để thực hiện dự án cơ quan chức năng sẽ giải tỏa khoảng 55.000m2 đất thành cổ, hơn 39.000m2 đất cơ quan đoàn thể, hơn 100.000m2 đất do các hộ dân đang sử dụng.
Theo Ban Quản lý các dự án phát triển, kinh phí thực hiện dự án hơn 160 tỷ đồng. Trong đó, 70 tỷ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỷ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Từ đầu năm 2024, Ban đã công bố các thông tin liên quan đến dự án này để người dân cùng nắm. Dự kiến, Ban sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 8 và dự kiến công trình sẽ khởi công trong tháng 9/2024.
Hoàng Sơn
Theo