(Xây dựng) - Trong những năm qua, các thế mạnh đặc thù của vịnh Nha Trang đã và đang được khai thác có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế và xóa đói giảm nghèo quanh khu vực vịnh.
Đan mành ốc giúp giải quyết việc làm cho người dân vùng vịnh Nha Trang. |
Hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân
Vịnh Nha Trang là nơi có quần thể đa dạng sinh học cao, là nơi có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội cho người dân. Trong thời gian qua, Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang đã triển khai rất nhiều hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người dân như: Nuôi trồng thuỷ sản, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, du lịch sinh thái và tín dụng...
Đầu năm 2008, dự án phát triển sinh kế mành ốc là một trong các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang thuộc Hợp phần sinh kế bền vững bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển ra đời với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí được giao cho Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang quản lý, làm nguồn vốn để phát triển nghề cho chị em học viên.
Có được nguồn vốn, Hội Phụ nữ đã tổ chức cho mỗi hộ vay hai triệu đồng phát triển nghề mành ốc. Hội kiêm luôn nhiệm vụ tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm làm đa dạng mặt hàng cung cấp và phục vụ nhu cầu của các Công ty tại Thái Lan, Thành phố Hồ Chí Minh… đã tạo được việc làm cho 50 hộ dân sống bên trong và quanh vịnh Nha Trang.
Ban quản lý khu bảo tồn biển Nha Trang còn tập trung phát triển nghề truyền thống cho người dân địa phương, thành lập đội thuyền thúng phục vụ du khách tham quan du lịch; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề du lịch cho con em các hộ bị ảnh hưởng bởi việc phân vùng khu bảo tồn biển; ngoài ra còn tận dụng được vị trí là vùng ven biển để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Định hướng phát triển nghề và đào tạo việc làm cho người dân bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian tới cần có những chính sách phù hợp để phát triển nghề và đào tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân quanh khu vực vịnh Nha Trang. Đặc biệt là xây dựng các công trình phúc lợi xã hội cho cộng đồng dân cư trên đảo, cần mở rộng các mô hình việc làm tăng thu nhập cho người dân dần thay thế ngành nghề đánh bắt thủy sản ven bờ.
Cần kết nối và sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế về các hoạt động bảo tồn biển, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan trong các hoạt động phát triển sinh kế cho cộng đồng sống trong khu bảo tồn biển.
Bên cạnh đó, cần gắn việc bảo vệ tài nguyên nhưng phải tạo các điều kiện thuận lợi phát triển sinh kế cho cộng đồng sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển bị ảnh hưởng bởi việc phân vùng bảo tồn, đề xuất thu phí vào khu bảo tồn biển nhằm xây dựng tài chính bền vững cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển vịnh Nha Trang.
Phi Long – Trọng Đại
Theo