(Xây dựng) - UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Theo kế hoạch, đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu (chọn các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao; phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm…).
Tiếp đó là phát triển các hình thức nông, lâm kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí (phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan tự nhiên của hệ sinh thái rừng và bản sắc văn hóa khu vực; thu hút các nguồn lực trong xã hội tham gia phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong các hệ sinh thái rừng; hỗ trợ tạo việc làm…).
Về nguồn vốn thực hiện được dùng từ nguồn hỗ trợ ngân sách Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch khác; nguồn ngân sách Nhà nước cấp hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành…
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch.
Đồng thời, chủ động lồng ghép các nhiệm vụ với nội dung thực hiện nhiệm vụ tại các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và các chương trình, đề án, dự án có liên quan theo quy định.
Tổ chức hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra tổng hợp kết quả thực hiện hàng năm của các địa phương, tham mưu báo cáo UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện định kỳ 3 - 5 năm và khi kết thúc giai đoạn thực hiện đề án...
Tùng Quân
Theo