TS Lê Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chiếu sáng Việt Nam thường được yêu mến gọi là “ông tiến sĩ - thương binh chiếu sáng”.
TS Lê Hải Hưng (người đội mũ) tặng đèn LED tiết kiệm điện cho Trường Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Tĩnh (tháng 7/2020). |
Được biết, TS Lê Hải Hưng là người có rất nhiều sáng kiến trong lĩnh vực chiếu sáng, góp phần đưa đèn LED tiết kiệm điện tới các loại hình chiếu sáng ở Việt Nam.
Từ biệt chiến trường, về thẳng giảng đường
TS Lê Hải Hưng sinh ra tại xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, từng là học trò xuất sắc của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau khi thi tuyển, ông đã nhanh chóng được nhận vào khoa Vật Lý thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thế nhưng Lê Hải Hưng quyết định gác bút lên đường nhập ngũ. Ông tham gia khóa huấn luyện quân sự ở miền Bắc, rồi cùng đồng đội hành quân tiến vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, men theo con đường Trường Sơn huyền thoại. Ngày 19/6/1954, Trung sĩ Lê Hải Hưng, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Hỏa lực, Đại đội 8, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 đã bị thương nặng trong một trận chiến ác liệt ở cứ điểm Bầu Bàng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
TS Lê Hải Hưng thăm chiến trường, nơi ông đã từng chiến đấu trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước. |
Khi mới gặp TS Lê Hải Hưng, không phải ai cũng biết rằng, ông là một nhà khoa học tài ba bởi ông mang đậm tác phong của một người chiến sĩ. Ông tâm sự, trong suốt những năm tháng được rèn luyện trong quân đội vào thời điểm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã trở thành một con người không ngại khó khăn, luôn vững tin vào cuộc sống. Sau khi bị thương nặng, ông rời chiến trường trở về giảng đường đại học, tiếp tục theo học chuyên ngành vật lý ông mơ ước từ lâu. Ông cho rằng, việc ông chuyên tâm học hành không phải chỉ để cho mình, mà còn là cơ hội để ông "học thay" cho những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường, chưa từng có cơ hội được bước chân vào giảng đường.
Ông 'tiến sĩ thương binh' đặt nền móng cho ngành vật lý và kỹ thuật chiếu sáng ở Bách khoa Hà Nội
Sau khi học xong, ông được điều về dạy môn Vật Lý ở Trường Đại học Hàng Hải tại Hải Phòng, sau đó vài năm thì tới làm ở Viện Vật lý kỹ thuật, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và gắn bó ở đây tới khi nghỉ hưu (tháng 7-2017). Ông quan điểm: "Không chỉ dạy những cái mình có mà phải dạy những cái xã hội cần". Do đó, ông đề xuất và được Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội mở them ngành học mới là Vật lý và kỹ thuật ánh sáng.
Khi thấy càng nhiều nghiên cứu nâng cao hiệu quả, tiết kiệm điện và sự xuất hiện của đèn LED trong các loại hình chiếu sáng ra đời, ông tiếp tục đề nghị với lãnh đạo trường Bách Khoa để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ chiếu sáng bằng LED vào năm 2010. Vào năm 2011, TS Lê Hải Hưng đã dùi mài nghiên cứu, sau đó chế tạo thành công công nghệ sản xuất đèn LED panel và tiếp tục chuyển giao công nghệ cho Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Không phải ai cũng biết đây là tiền đề cho các dự án sử dụng đèn LED triển khai rộng rãi tại các công trình xây dựng dân dụng và từng hộ gia đình.
Trong nhiều năm, TS Lê Hải Hưng tham gia và chủ trì nhiều dự án giúp phát triển lĩnh vực chiếu sáng. Năm 2012, với đề tài NCKH "chế tạo thiết bị đo tự động sự phân bố cường sáng của các loại đèn thông dụng", ông và một số đồng nghiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec). Ông cũng tham gia tư vấn chiếu sáng cho nhiều công trình trọng điểm quốc gia, chẳng hạn như Hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân,...
Người đưa đèn LED tới tàu cá Việt Nam
TS Lê Hải Hưng nhận định, nước ta có bờ biển dài nên hoạt động đánh bắt thủy hải sản rất quan trọng. Nó không chỉ giúp nuôi sống nhiều miệng ăn, mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. Sau khi chứng kiến ngư dân Việt Nam khi đánh bắt xa bờ hay dùng loại đèn sợi đốt và đèn Metal Halide điện năng lớn, tốn dầu, thải nhiều khí thải, ông đã quyết định thay thế những kiểu đèn này bằng đèn LED tiết kiệm điện.
Năm 2015, TS Lê Hải Hưng viết đề xuất và được Quỹ Môi trường toàn cầu GEF (Global Environmental Facility) chấp nhận tài trợ khoản kinh phí hơn một tỷ đồng để tiến hành dự án "thử nghiệm sử dụng đèn LED thay thế các loại đèn truyền thống trong đánh bắt hải sản nhằm giảm phát thải khí nhà kính". Trong 2 năm kế tiếp, ông nhiều lần lặn lội từ Hà Nội tới các xã ngư dân thuộc huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) để hướng dẫn, giúp đỡ đồng bảo thử nghiệm trang bị hệ thống đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ. Đèn LED giúp tàu giảm được khoảng 30% dầu diesel chạy máy phát, tăng năng suất đánh bắt lên 1,3 lần.
Sau thành công bất ngờ ở Ninh Thuận, ông tiếp tục được Quỹ Môi Trường tài trợ lần hai để triển khai thử nghiệm đèn LED cho 8 tàu cá ở Bình Định và hai tàu cá ở Bình Thuận. Lần này, ông thử nghiệm cho 8 tàu cá tại Bình Định và 2 tàu cá ở Bình Thuận, kết quả đều vượt ngoài mong đợi. Ông Võ Kim Giao, ngư dân xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định) chia sẻ: "Được trang bị bộ đèn LED đánh cá theo khuyến nghị của TS Lê Hải Hưng, công suất chỉ 200W, nhưng sáng tương đương với đèn loại cũ. Trước đây, mỗi đêm tàu cá của tôi dùng hết 70-80 lít dầu diesel cho chạy máy phát điện thì nay giảm xuống chỉ còn 45-50 lít, vừa tiết kiệm được chi phí cho những chuyến ra khơi, vừa nâng cao năng suất đánh bắt hải sản, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường".
Miễn là còn sức thì sẽ còn cống hiến
Hiện ông đã nghỉ hưu tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, thế nhưng một ngày của TS Lê Hải Hưng vẫn hết sức bận rộn. Hiệp hội đầu tư, xây dựng và dịch vụ nông lâm nghiệp Việt Nam bổ nhiệm ông với chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ (IRAT), với mục đíhc đưa các tiến bộ trong khoa học công nghệ vào cuộc sống, bao gồm những loại đèn tiết kiệm điện năng.
Từ kinh nghiệm dùng đèn LED trên tàu đánh cá ở Ninh Thuân, Bình Thuận,... Tiến sĩ tiếp tục thiết kế một mẫu đèn LED mới với công suất 200W, thử nghiệm trên tàu đánh cá xa bờ ở Biển Đông với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Đợt thử nghiệm này rất thành công, sau đó đã được UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã quyết định nhân rộng mô hình, LED hóa cho đội tàu cá của toàn tỉnh.
Mới đây, TS Hưng vừa được mời làm tư vấn chính cho Dự án VIE 401 do Công quốc Luxembourg tài trợ về chiếu sáng trường học và đường phố bằng đèn LED tại thành phố Huế, là một trong nhiều dự án lớn nhất ở nước ta về chiếu sáng bằng đèn LED. Ông khẳng định: "Mình còn sức, mình còn cống hiến cho sự nghiệp chiếu sáng!".
Theo qdnd.vn