(Xây dựng) - Tọa lạc ngay trục chính đường vào Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) là quần thể kiến trúc bằng tre được xem là lớn nhất và độc đáo nhất Đông Nam Á, trải dài trên diện tích cả nghìn mét và toàn bộ công trình này được ghép bởi hàng trăm nghìn cây tre gắn kết bằng dây dù mà không dùng bất kỳ vật liệu kim loại nào.
Toàn cảnh nhà hàng rộng 1.000m2 và 8 căn bungalow nghỉ dưỡng được làm hoàn toàn bằng tre. |
Công trình bằng tre độc đáo này thuộc Khu du lịch nghỉ dưỡng Vedana Resort ở xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Có 3 hạng mục trong khu nghỉ dưỡng được thi công hoàn toàn bằng tre là: Nhà hàng tre, bungalow nghỉ dưỡng và trung tâm hội nghị.
Công trình bằng tre rộng lớn và độc đáo ở Cúc Phương (Nho Quan) đã vinh dự nhận được giải thưởng Dezeen Awards năm 2021. |
Đây là công trình bằng tre lớn nhất từng được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thực hiện. Công trình kiến trúc mới, ấn tượng này đã được Tạp chí Kiến trúc nổi tiếng của Vương quốc Anh Dezeen - một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về kiến trúc, thiết kế vinh danh nhận giải thưởng Dezeen Awards năm 2021.
Ông Lê Quốc Thịnh - chủ đầu tư Dự án Vedana Rosort chia sẻ: Để có được công trình độc đáo này, ông và kiến trúc sư đã phải lặn lội vào tận Tây Ninh để trực tiếp kiểm tra chất lượng cây tre, đặt mua, sau đó thuê những người thợ có tay nghề cao ở đó làm liên tục trong vòng 2 năm, rồi đưa ra dự án để triển khai thi công.
Nhà hàng tre rộng 1.000m2 dùng để phục vụ tiệc cho các hoạt động đông người như hội nghị, team building. Công trình này được tạo thành bởi hơn 70.000 cây tre và có tổng chiều cao hơn 15m, tương đương với ngôi nhà 5 tầng, có cấu trúc gồm 36 khung tre tạo thành hình mái vòm 3 tầng. Kế đó, là 8 căn nghỉ dưỡng bungalow ven hồ cũng được hoàn thành với hơn 23.000 cây tre. Lớn nhất là Trung tâm hội nghị được sử dụng hơn 113.000 cây tre. Cả 3 hạng mục tạo thành công trình bằng tre lớn bậc nhất Đông Nam Á.
“Cây tre sau khi được ngâm, tẩm, sấy, xử lý kỹ thuật sẽ không bị mối mọt, độ bền cao không thua kém gì so với vật liệu công nghiệp nhưng lại rất gần gũi với thiên nhiên. Điều đặc biệt là toàn bộ các công trình bằng tre này không hề sử dụng bất kỳ một vật liệu kim loại nào trong thân tre hoặc kết nối các thân tre với nhau, mà dùng kỹ thuật đặc biệt nhưng rất truyền thống là gắn kết các thân tre với nhau bằng thanh tre vót nhọn và các loại dây dù bện chặt. Kỹ thuật này không phải ai cũng thực hiện được mà phải là những người thợ có tay nghề cao, tài hoa và thực sự am hiểu về tre mới có thể tạo nên được”, ông Thịnh cho biết thêm.
Bên trong công trình bằng tre lớn bậc nhất Đông Nam Á. |
Du khách đến đây được đắm chìm trong khung cảnh núi rừng ngủ, nghỉ trong bốn bề vật liệu tre, thân thiện với môi trường. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đinh Đức Thọ - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nho Quan cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Nho Quan nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung đón rất nhiều các nhà đầu tư vào để xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch. Tuy nhiên, với phương châm phát triển “xanh”, bền vững nên huyện rất hoan nghênh những hạng mục công trình có kiến trúc gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, hạn chế tối đa vật liệu công nghiệp như xi măng, bê tông, sắt thép… Và Vedana Resort là dự án sử dụng thành công và đặc sắc vật liệu tre như vậy. Hầu hết, ai đến đây cũng rất bất ngờ với 3 hạng mục lớn sử dụng bằng tre 100%. Đây không chỉ là điểm nhấn của công trình mà còn là “thỏi nam châm” hút du khách đến với Cúc Phương đại ngàn.
Anh Tú
Theo