(Xây dựng) – Mới đây, tại Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo, Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam khai mạc Triển lãm khoa học: “Tinh thần và biểu tượng Phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”.
Tham dự triển lãm có: Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự; Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Thọ Lạc – Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương; Hòa thượng Thích Hải Ấn – Ủy viên Hội đồng trị sự, Phó ban Văn hoá Trung ương; cùng chư Tôn đức trong Hội đồng trị sự, quý Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng, ni và lãnh đạo đại diện các Bộ, ban, ngành.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh: “Trong khuôn khổ của hội thảo khoa học “Tinh thần và biểu tượng Phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam”, việc tổ chức Triển lãm để giới thiệu một phần thực tiễn ứng dụng, phát huy biểu tượng Phật giáo qua sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm làm sâu sắc hơn nội dung, chủ đề hội thảo là một việc làm hết sức cần thiết, hữu ích và có ý nghĩa. Triển lãm giới thiệu gần 50 tác phẩm của một số nghệ nhân từ các làng nghề như: Bát Tràng, Ngũ Xã, Hạ Thái – Duyên Thái… Mặc dù, số lượng sản phẩm làng nghề tham gia triển lãm lần này không nhiều nhưng đều là những sản phẩm tiêu biểu và mang những thông điệp rất ý nghĩa, bởi đó đều là các sản phẩm chứa đựng tâm huyết của những nghệ nhân “tâm sáng – tài cao” từ các làng nghề bao đời “giữ lấy tinh hoa”. Các sản phẩm được giới thiệu trong triển lãm là kết quả của sự góp công, góp sức của nhiều người từ những chư Tôn đức, quý Hoà thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng ni Phật tử tới nhà thư pháp cao niên, những trí thức trẻ”.
Việc phát huy tinh thần, biểu tượng, giá trị Phật giáo trong các làng nghề truyền thống ở Việt Nam hiện nay là rất cần thiết, để thông qua đó lan tỏa tinh thần, biểu tượng Phật giáo trong đời sống xã hội là một việc làm hết sức có ý nghĩa và có tính chất cấp thiết.
Triển lãm được tổ chức nhằm xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo mặt khác, góp phần đa dạng, phong phú, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thủ công truyền thống thông qua ứng dụng các biểu tượng Phật giáo, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề truyền thống. Đồng thời, góp phần định hướng sự phát triển các làng nghề truyền thống trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập và giao lưu văn hoá với thế giới.
Mộc Miên
Theo