(Xây dựng) – Tối 17/11, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 với chủ đề “Dòng chảy” chính thức được khai mạc.
Nghi lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. |
Tái sinh di sản công nghiệp thành những không gian văn hóa - sáng tạo
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế năm 2019.
Từ đó đến nay, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Một trong những điểm nổi bật của xây dựng Thành phố sáng tạo là tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 được tổ chức trong các ngày 17 – 26/11, với sự phối hợp chặt chẽ của UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam; Sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT); Sự tham gia, phối hợp của các cấp các ngành, các cơ quan, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các doanh nghiệp, nhóm cộng đồng, các chuyên gia…
Đặc biệt, Lễ hội quy tụ nhiều tài năng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thủ công, ẩm thực, thời trang, âm nhạc, bảo tồn và phát huy giá trị di sản...
Tiết mục biểu diễn Vọng âm trong đêm khai mạc Lễ hội. |
Chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng, Sáng tạo, với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…
Các không gian chính của Lễ hội gồm Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… Đây đều là những di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua.
Ngoài những không gian trên, trong dịp này, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhận định: Thăng Long - Hà Nội hình thành, phát triển gắn liền với dòng chảy sông Cái - sông Hồng. Trong tương lai, Hà Nội tiếp tục đặt sông Hồng vào trung tâm của phát triển. “Dòng chảy” mang ý nghĩa tượng trưng, đó là sự kế thừa, tiếp nối quá khứ vào trong cuộc sống hiện đại.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm ra đời hơn 120 năm, từng do người Pháp quản lý, rồi về tay chính quyền Cách mạng và từng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử ngành Đường sắt nước ta. Ngày nay, Nhà máy xe lửa Gia Lâm là một trong những di sản công nghiệp của Hà Nội.
Tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, trên nền những phân xưởng sản xuất - nơi ghi dấu ấn của sự phát triển công nghiệp hàng trăm năm qua - sẽ là những triển lãm, những màn trình diễn nghệ thuật, những cuộc hội thảo, tọa đàm.
“Việc sản xuất của Nhà máy sẽ được di dời đến một nơi khác, nhưng những hoạt động này là gợi ý, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hóa - sáng tạo” – Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà chia sẻ.
Một số tiết mục biểu diễn trong đêm khai mạc. |
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi nhận định: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách, nhằm tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô.
“Kể từ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, với tư cách là Thành phố sáng tạo lĩnh vực Thiết kế, chúng tôi đã được lắng nghe các đồng nghiệp, những người thực hành sáng tạo và người dân Hà Nội chia sẻ những trải nghiệm và ấn tượng tích cực của họ về sự chuyển mình này của Thủ đô” – Bà Ramla Khalidi nhận định.
Theo bà, qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam.
Các đại biểu và các nghệ sỹ tham gia biểu diễn tại sự kiện khai mạc Lễ hội. |
“Thông qua quan hệ đối tác công – tư, góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến thành phố thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình…” – Bà Ramla Khalidi nói.
Các hoạt động của Lễ hội hấp dẫn du khách
Lễ khai mạc diễn ra với nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Điểm nhấn của chương trình là tiết mục Vọng âm, trình diễn theo phong cách thực cảnh và sân khấu đương đại, tái hiện nghệ thuật sân khấu thời trang quý tộc cổ thời Lê, Lý, Trần và diễu hành kỵ xạ binh…
Vọng âm là một cái nhìn đa chiều về quá khứ, về các nhân vật, từ đó khán giả và cả người nghệ sỹ cùng sẽ có những chia sẻ, sự trắc ẩn với các biến cố lịch sử, để hiểu và yêu hơn lịch sử đất nước mình.
Chương trình còn có rất nhiều những tiết mục hấp dẫn khác với sự tham gia của các ca sỹ, nghệ sỹ tài năng…
Du khách háo hức khi lần đầu tiên được vào bên trong “Bốt Hàng Đậu”. |
Không gian sắp đặt bên trong “Bốt Hàng Đậu”. |
Trước đó, sáng cùng ngày, di sản Tháp nước hàng Đậu đã chính thức mở cửa, đón du khách đến khám phá không gian bên trong tháp và chiêm ngưỡng Triển lãm pavilion sắp đặt “Nước và di sản Tháp nước Hàng Đậu”. Đây là không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống âm thanh của nước.
Ngay trong ngày đầu tiên, di sản Tháp nước Hàng Đậu đã đón lượt khách tham quan lớn. Du khách phải xếp hàng khá đông, khá lâu để chờ đến lượt được vào check-in bên trong tháp vốn lâu nay vẫn đóng cửa im ỉm đối với công chúng.
Khách mời phấn khích với “Hành trình trải nghiệm tàu hỏa”. |
Các nghệ sỹ trẻ biểu diễn trong “Hành trình trải nghiệm tàu hỏa”. |
Tối cùng ngày, chuyến tàu hỏa trải nghiệm mang số hiệu LH (viết tắt của từ Lễ hội) cũng đã lăn bánh, đưa các khách mời và các nghệ sỹ từ ga Long Biên đến ga Gia Lâm, tham dự đêm khai mạc Lễ hội.
Trong suốt thời gian còn lại của Lễ hội, mỗi ngày sẽ có 2 lượt tàu đi, 2 lượt tàu về, từ Ga Hà Nội – đi ga Long Biên – đến ga Gia Lâm và ngược lại. Giá vé là 20 nghìn đồng/người/lượt. Mọi hoạt động khác của Lễ hội hoàn toàn miễn phí.
Minh Hằng (ảnh: Ban tổ chức Lễ hội)
Theo