(Xây dựng) – Sáng 25/8, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng Việt Nam) và Cục Quản lý thoát nước và nước thải (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức “Hội thảo Việt - Nhật về Chính sách và giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu. PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng và ông Atsushi Tajima - đại diện phía Nhật Bản đồng chủ trì Hội thảo.
PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội thảo. |
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cục Quản lý thoát nước và nước thải Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), đại diện các Bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh/thành phố; Sở Xây dựng; Ban quản lý và nhiều chuyên gia các hội, hiệp hội chuyên ngành thoát nước và Đơn vị quản lý thoát nước. Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, được sự ủy quyền của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cho biết, thoát nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách về thoát nước, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo hướng tiếp cận cập khoa học công nghệ hiện đại, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên gần đây, biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn biến phức tạp, khó lường và cực đoan hơn. Mưa lớn hoặc mưa lớn kèm theo triều cường dẫn đến tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra tại các đô thị ở Việt Nam gây nhiều tổn thất về người, môi trường, xã hội và kinh tế. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng với việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn tập trung, kéo theo việc bê tông hóa, giảm diện tích thấm, ao hồ, kênh rạch mang nhiệm vụ dự trữ, tiêu thoát nước. Việc quản lý cao độ nền đô thị chưa được thật sự chặt chẽ và quyết liệt. Hệ thống thu gom nước mưa của các đô thị được xây dựng nhiều năm và đã xuống cấp, kích thước cống được tính toán chưa bao gồm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Cục trưởng Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tập trung, ưu tiên cho lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập, lụt đô thị thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia. Việc nghiên cứu các chính sách khuyến khích và các giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ MLIT và JICA tổ chức Hội thảo “Chính sách và Giải pháp thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm đặt vấn đề, xin ý kiến và tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhất để thoát nước, chống ngập cho các đô thị trên cả nước.
Hiệu quả của chính sách về phát triển đô thị, thoát nước, phòng chống ngập úng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam đã có những thành tựu và cải thiện nhiều về nội dung trong thời gian qua. Những chính sách và chương trình hiện nay là cơ sở cho các hoạt động của địa phương, doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải theo hướng tiếp cận cập nhật thêm các biện pháp ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn cần các giải pháp hay và hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, tối ưu trong đầu tư xây dựng, đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc.
Cục trưởng Mai Thị Liên Hương hy vọng Hội thảo lần này sẽ có được các giải pháp hiệu quả về chính sách cũng như kỹ thuật. Làm cơ sở và nền tảng để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện để phát triển cơ sở hạ tầng, mà đặc biệt là hệ thống thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời là nền tảng cho việc phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh trong tương lai. Cùng với việc phát huy các nguồn lực trong nước, Việt Nam cũng chủ động, tích cực mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là JICA trong hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập tại Việt Nam.
Ông Atsushi Tajima – Giám đốc Văn phòng Đối ngoại và Xây dựng, Cục Quản lý thoát nước và Nước thải, Bộ MLIT phát biểu tại Hội thảo. |
Đại diện phía Nhật Bản, ông Atsushi Tajima – Giám đốc Văn phòng Đối ngoại và Xây dựng, Cục Quản lý thoát nước và Nước thải, Bộ MLIT cho biết: Sau khi ký kết Hiệp định giữa hai nước, Nhật Bản và Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động hợp tác với nhau, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến giải pháp bảo vệ khí hậu và môi trường. Ông Atsushi Tajima mong rằng, Hội thảo lần này sẽ chủ yếu tìm ra được chính sách, biện pháp, nâng cao kỹ thuật và tìm ra giải pháp trong việc cấp thoát nước, khắc phục tình trạng ngập lụt hiện nay. Không những là một Hội thảo khoa học thiết thực và ý nghĩa, mà đây còn là cơ hội để gắn kết tinh thần hợp tác, liên kết giữa hai quốc gia.
“Chúng ta cần nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu những thiệt hại của biến đổi khí hậu và cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu như hiện nay, việc chung tay, hợp tác giữa các quốc gia nhằm tìm ra chính sách và giải pháp hiệu quả nhất trong thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết; đồng thời tin tưởng hội thảo sẽ mang lại nhiều đề xuất, giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu”, ông Atsushi Tajima chia sẻ.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Tại Hội thảo, chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến chủ đề “Chính sách và giải pháp thoát nước”, bao gồm: Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai theo Hội nghị Thượng đỉnh về nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4; Tổng quan quy định thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam; Chính sách và công nghệ chống ngập đô thị mới nhất của Nhật Bản, thích ứng với biến đổi khí hậu; Công tác thoát nước đô thị của thành phố Hà Nội năm 2022; Bảo dưỡng hệ thống thoát nước để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khỏi ngập úng đô thị - Ví dụ thực tế tại thành phố Osaka; Thực trạng và giải pháp thoát nước chống ngập tại một số địa phương Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, các chuyên gia đến từ JICA, các Hiệp hội chuyên ngành Thoát nước Việt Nam và đại diện Sở Xây dựng các địa phương đã nêu lên một số yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động thoát nước ở địa phương cũng như một số ý kiến về việc sống chung và kiểm soát hiệu quả tình trạng ngập úng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. |
Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Mai Thị Liên Hương cảm ơn các đại biểu, chuyên gia hai nước đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, lựa chọn, đề xuất các các giải pháp hiệu quả về chính sách cũng như kỹ thuật làm cơ sở và nền tảng để Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện xây dựng khung chính sách toàn diện để phát triển cơ sở hạ tầng, mà đặc biệt là hệ thống thoát nước thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo nền tảng cho việc phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh trong tương lai.
Thảo Phương – Duy Thanh
Theo