(Xây dựng) - Chiều 02/12, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội thảo chuyên đề Xây dựng mô hình sinh kế giúp nâng cao thu nhập cho người dân ở thôn, bản, ấp vùng đặc biệt khó khăn.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Theo báo cáo, hiện nay, cả nước có 20.139 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là những vùng có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm nghiệp chiếm trên 80%, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân mỗi hộ gia đình chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 55,2% tổng số hộ nghèo của cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam khẳng định, sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn như: Ban hành Đề án 1385 về hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã dặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Các chương trình, dự án phù hợp với vùng đặc biệt khó khăn như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, liên kết sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn về các giải pháp đa dạng sinh kế như: Phát triển du lịch cộng đồng của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với lợi thế của từng địa bàn. Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nêu giải pháp thúc đẩy phát triển hàng thủ công mỹ nghệ; UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nêu giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình sinh kế; Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đưa ý kiến về phát triển cây mắc ca...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao các ý kiến, tham luận tại Hội thảo, trong đó có nhiều ý tưởng, ý kiến, giải pháp hay, sáng tạo để tạo sinh kế cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Qua Hội thảo khẳng định, không có nơi nào khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng là chúng ta cần nghiên cứu, tìm ra được những mô hình kinh tế, loại hình phát triển phù hợp với địa phương; chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn mô hình phù hợp với nhu cầu thị trường; cần tới sự đồng lòng ủng hộ của người dân, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các nhà khoa học, doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn, trong đó tập trung hỗ trợ trồng cây dược liệu, trồng sả, trồng rừng sản xuất, phát triển đồ thủ công mỹ nghệ, xây dựng và phát triển các hợp tác xã, phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch cộng đồng…
Thái Hà
Theo