(Xây dựng) - Ngày 14/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị hướng dẫn thủ tục xin Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cho hơn 20 doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực cung cấp các giải pháp, dịch vụ phần mềm.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Sự kiện nhằm đẩy mạnh triển khai giải pháp hợp đồng điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xây dựng, quản lý, duy trì và vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, theo quy định tại Điều 63, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Chính phủ, để doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực Chứng thực hợp đồng điện tử cần phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ.
Chính vì vậy, tại buổi tập huấn này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tập trung vào hướng dẫn các doanh nghiệp những thủ tục, hồ sơ cần thiết để được cấp Giấy phép hoạt động cung cấp chứng thực hợp đồng điện tử.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã làm việc với các doanh nghiệp khảo sát hệ thống hợp đồng điện tử tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp kỹ thuật.
Ngoài ra, Cục cũng đã gửi các tài liệu hướng dẫn, tài liệu tích hợp đến các doanh nghiệp, liên tục hỗ trợ giải đáp thắc mắc, các vấn đề gặp phải khi kết nối hệ thống.
Đến nay, các đơn vị đang tiến hành kết nối kỹ thuật; trong đó, có nhiều đơn vị đã tích hợp hoàn thiện. Ngoài ra, Cục đã và đang tiếp tục triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp về hồ sơ mẫu để cấp đăng ký theo quy định.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) nêu rõ những thông tin chi tiết về các điều khoản triển khai, các biện pháp, quy trình nghiệp vụ lưu trữ, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu của chứng từ điện tử, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử của doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương xem xét hồ sơ, hướng dẫn những thủ tục, hồ sơ cần thiết để nhận được Giấy phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử… Mặt khác, doanh nghiệp cũng đề xuất được giải đáp, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc lưu trữ, hậu kiểm, quản lý và đảm bảo tính toàn vẹn của chứng từ điện tử do các tổ chức, cá nhân khởi tạo trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bằng phương thức điện tử.
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển và triển khai phần mềm tại Việt Nam, đại diện Công ty Cổ phần Misa cho biết, hiện tại công ty đã xây dựng hoàn thiện Nền tảng ký tài liệu số AMISS WeSign.
Đây là giải pháp chuyển đổi số, tự động hóa toàn bộ quy trình ký kết giữa cá nhân và tổ chức, tiết kiệm 85% thời gian và chi phí so với phương thức ký kết truyền thống, đảm bảo bảo mật và toàn vẹn, có khả năng xác định nguồn gốc, tính chống chối bỏ của các chứng từ điện tử.
Đại diện công ty này mong muốn lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ việc tích hợp nền tảng ký tài liệu số AMIS WeSign vào Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam CeCA.gov.vn.
Việc này nhằm mục tiêu hỗ trợ 100% các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng hợp đồng điện tử trong việc kiểm tra, xử lý, tập trung thông tin hợp đồng điện tử của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong giao dịch và hoạt động thương mại tại Việt Nam.
Tại buổi tập huấn, các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp các sản phẩm/dịch vụ, nền tảng uy tín chất lượng, đảm bảo việc triển khai, vận hành, xử lý sự cố phát sinh diễn ra đúng luật, đúng quy định, bảo vệ quyền lợi các chủ thể ký hợp đồng điện tử - góp phần thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Mộc Miên
Theo