(Xây dựng) – Ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN – Nhật Bản lần thứ 2. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đồng chủ trì hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN – Nhật Bản lần thứ 2. |
3 ưu tiên đảm bảo khai thác đô thị thông minh
Diễn biến khó lường của dịch Covid-19 khiến hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN – Nhật Bản lần thứ 2 phải chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Lim Jock Hoi đánh giá, đại dịch Covid-19 đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của đô thị và mang lại những tác động lên các mô hình phát triển đô thị.
Nhưng chính đại dịch này cũng đưa ra bằng chứng về lợi ích to lớn của việc phát triển đô thị thông minh và nêu bật vai trò quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong phát triển đô thị thông minh.
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi nhận định có 3 ưu tiên quan trọng để đảm bảo khai thác đầy đủ các đô thị thông minh nhằm hỗ trợ hội nhập khu vực và phát triển bền vững.
Thứ nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giải pháp kỹ thuật số để cung cấp cho các thành phố một nền tảng công nghệ mạnh mẽ. Việc áp dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thích hợp có thể hỗ trợ chính quyền địa phương đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, từ đó nâng cao việc lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Thứ hai là phát triển thành phố thông minh nên mang tính bao trùm. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp và các ngành của Chính phủ, giữa khu vực công - tư và quan trọng nhất là với người dân.
Việc kết hợp những hợp tác này vào việc thiết kế và thực hiện các sáng kiến thành phố thông minh sẽ giúp hiểu được nhu cầu của các bên liên quan khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và thu thập phản hồi của họ ở giai đoạn đầu.
Thứ ba là không có một con đường tắt nào để trở thành thành phố thông minh. Chính vì vậy, các nước, các đô thị cần chia sẻ kiến thức và bài học kinh nghiệm để có thể giúp các đô thị khác và chính họ tìm ra các giải pháp tốt hơn, phù hợp hơn.
Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Lim Jock Hoi chia sẻ 3 ưu tiên để khai thác đầy đủ các đô thị thông minh, hỗ trợ hội nhập và phát triển bền vững. |
Năm nay, Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) đã hoàn thiện và thông qua Khung đánh giá và giám sát nhằm thúc đẩy một cộng đồng chia sẻ các phương pháp hay nhất và bài học kinh nghiệm giữa các thành phố ASCN.
Khung này sẽ giúp các thành phố hiểu rõ hơn về nỗ lực của ASCN trong việc tạo điều kiện hợp tác và thúc đẩy quan hệ đối tác với các đối tác bên ngoài ASEAN.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Lim Jock Hoi cũng đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển đô thị thông minh.
Tăng cường kết nối và hợp tác là nhu cầu tất yếu
Phát biểu chào mừng hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, các đô thị luôn giữ vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Akaba Kazuyoshi phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa tại nhiều nước ASEAN đang diễn ra khá nhanh, nhưng đi kèm là các vấn đề như hạ tầng quá tải, ô nhiễm môi trường, gia tăng phát thải khí nhà kính…
Bối cảnh khó khăn đó cộng với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu khiến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển đô thị là xu thế và nhu cầu tất yếu của tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia ASEAN.
Cùng chung quan điểm với Tổng Thư ký Lim Jock Hoi, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đánh giá, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong năm 2020 càng làm nổi bật vai trò quan trọng của việc ứng dụng các giải pháp thông minh trong nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội tại các quốc gia.
Tại hội nghị cấp cao Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN – Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức tại thành phố Yokohama vào năm 2019, các nước đã thống nhất quan điểm “tiếp cận tối ưu”, chia sẻ nhu cầu, mục tiêu phát triển đô thị thông minh của các đô thị trong khối ASEAN và bước đầu tìm hiểu cơ hội hợp tác với Nhật Bản.
Đến hội nghị lần này, các nước đã cùng nhau cập nhật tình hình phát triển đô thị thông minh tại mỗi nước và trao đổi về kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng, phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, các nước cũng thảo luận về các giải pháp khả thi để đối mặt với những thách thức trong thực tiễn và tạo cơ hội kết nối với các đối tác tiềm năng của Hiệp hội Nhật Bản về đô thị thông minh khu vực ASEAN (JASCA)…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thảo luận với Thứ trưởng Bộ MLIT Nhật Bản Nomura Masafumi. |
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) Ishihara Yasuhiro đã trình bày các hoạt động gần đây của JASCA. Đại diện Văn phòng Chính phủ Nhật Bản chia sẻ về những kinh nghiệm thực tiễn thành công của Nhật Bản về đô thị thông minh.
Các thành phố Tsukuba và Masuda cũng lần lượt chia sẻ về bài học thực tiễn của họ trong quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Nhật Bản. Ngoài ra, đại diện các thành phố và khu vực tư nhân tại các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Singapore, Myanmar, Indonesia hay Việt Nam cũng lần lượt chia sẻ một số kinh nghiệm và sáng kiến phát triển đô thị thông minh.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Bộ MLIT đề xuất một số giải pháp phát triển đô thị thông minh dựa trên thách thức gặp phải của mỗi quốc gia và đô thị.
Các thành phố Makassar, Bangkok và Phuket ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Nhật Bản. |
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hội nghị cấp cao lần này đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển đô thị thông minh của các đô thị trong Mạng lưới ASCN và các đô thị của Nhật Bản.
Thứ trưởng đánh giá cao đề xuất về gói hỗ trợ mới của phía Nhật Bản, bao gồm thúc đẩy tổng hợp, nghiên cứu và đầu tư, hệ thống hỗ trợ ở mỗi quốc gia ASEAN và các thành phố, nhằm tăng tốc hiện thực hóa các đô thị thông minh trong ASEAN.
Thứ trưởng hy vọng thông qua hội nghị lần này, từng đô thị sẽ cụ thể hóa hơn nữa kế hoạch hành động, đề ra các giải pháp mang tính khả thi cao, phù hợp với bối cảnh hiện tại của mình để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội chụp ảnh lưu niệm. |
Cuối hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết 4 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các thành phố ASEAN với Nhật Bản, bao gồm 2 ở Makassar (Indonesia), 1 ở Bangkok (Thái Lan) và 1 ở Phuket (Thái Lan).
Sau khi kết thúc phiên toàn thể, hội nghị bước vào phiên họp Công – Tư để tạo cơ hội kết nối cho các đối tác tiềm năng trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Dịch Phong
Theo