(Xây dựng) - Đến nay, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…
Hình ảnh về Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 tại Hậu Giang. |
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành kế hoạch “Phát động phong trào thi đua 60 ngày đêm chuyển đổi số trên địa bàn”.
Mục tiêu của việc ban hành kế hoạch lần này nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số toàn dân, toàn diện nhằm cải thiện tỷ lệ nộp dịch vụ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tái sử dụng thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Bên cạnh đó là hình thành thói quen cho người dân trong thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến, đồng thời hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số.
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Cải thiện mạng lưới viễn thông để hỗ trợ tốt hơn cho các thiết bị 3G/4G/5G và cung cấp kết nối internet ổn định cho các dịch vụ trực tuyến, khuyến khích và hỗ trợ thiết bị để người dân có thể dễ dàng chuyển đổi từ thiết bị 2G sang 3G/4G/5G trên địa bàn tỉnh.
Được biết, từ sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XIV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 25 thông qua Đề án “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020 - 2025”; Nghị quyết về phụ cấp cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin...
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, nông dân ở Hậu Giang đã có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà dù đang ở bất cứ đâu. Đó là thành quả khi tham gia vào chuyển đổi số. |
Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G, thí điểm triển khai phủ sóng mạng 5G tại thành phố Vị Thanh. 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc chuyên môn. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai đến các Sở, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, xã.
Tỉnh đã thành lập được 600 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 3.500 thành viên tham gia, tại các ấp, khu vực trên địa bàn, từng bước hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của các địa phương lên sàn thương mại điện tử. Đã có hơn 20% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tham gia sử dụng các nền tảng công nghệ số để phục vụ quản trị, sản xuất và kinh doanh.
Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu, Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang App) được nhiều người dân sử dụng và đánh giá cao. Tỉnh đã thành lập hơn 600 Tổ công nghệ số cộng đồng tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 thành viên tham gia để hỗ trợ cho người dân tham gia chuyển đổi số.
Các hoạt động chuyển đổi số tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của chính quyền như nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền, cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh tỉnh. Các nền tảng số cơ bản đã được hoạt động hiệu quả như: Ứng dụng di động Hậu Giang, Cổng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý văn bản, thư điện tử công vụ, hệ thống họp trực tuyến, họp không giấy…
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Hậu Giang luôn trải thảm thu hút đầu tư công nghệ số. Theo đó, khi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ số tỉnh Hậu Giang sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi, cụ thể như: Thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn 2 năm, giảm 50% không quá 4 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới; thuế suất ưu đãi 17% trong thời gian 15 năm áp dụng đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới…
UBND tỉnh Hậu Giang cũng vừa ban hành thể lệ “Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Hậu Giang lần thứ IV năm 2025”. Cuộc thi lần này nhằm tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích các cá nhân/nhóm/tổ chức; các đối tượng: học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, nông dân,... những người có ý tưởng mạnh dạn khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; dự án kinh doanh mới; đồng thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tư duy, đổi mới ý tưởng sáng tạo, hình thành và phát triển những ý tưởng đi vào cuộc sống; hỗ trợ thực tế và hiệu quả những ý tưởng kinh doanh, những dự án khởi nghiệp, dự án kinh doanh mới có tính khả thi phát triển bền vững.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 4/2025 đến tháng 6/2025. Trong đó, vòng sơ khảo (thi viết) từ ngày 01/4/2025 đến hết ngày 15/4/2025. Vòng Bán kết (thi thuyết trình) từ ngày 16/5/2025 đến ngày 17/5/2025. Vòng Chung kết (thi thuyết trình) từ ngày 13/6/2025 đến ngày 14/6/2025.
Về cơ cấu giải thưởng sẽ có: 01 giải nhất 80.000.000 đồng; 01 giải nhì 50.000.000 đồng; 02 giải ba 30.000.000 đồng; 06 giải khuyến khích mỗi giải 10.000.000 đồng.
Ngoài ra, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho 10 ý tưởng, dự án được vào vòng chung kết nhưng không đạt giải, trị giá 3.000.000 đồng/thí sinh.
Phạm Hổ
Theo