(Xây dựng) - Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ quá tải trong xử lý rác thải. Thành phố đã chỉ đạo và giao cho các ngành liên quan xây dựng đề án xử lý rác tổng thể theo hướng áp dụng công nghệ cao”.
Khu liên hợp xử lý rác Tràng Cát. |
Nguy cơ quá tải
Mỗi ngày, Hải Phòng phải xử lý khoảng gần 2.000 tấn rác thải. Trong đó, rác thải đô thị là hơn 1.100 tấn; rác thải ở khu vực nông thôn hơn 600 tấn. Còn lại là chất thải rắn công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng, chất thải y tế nguy hại.
Hải Phòng là thành phố đô thị loại I, thời gian qua đã quan tâm, đầu tư xử lý rác thải nhưng sự quan tâm này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Việc xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp, trong khi khối lượng rác thải thì ngày càng tăng. Cho nên cũng giống như nhiều thành phố đô thị lớn trong và ngoài nước, rác thải giờ đây không chỉ là vấn nạn, mà còn là nguy cơ hiện hữu, cần có sự quan tâm đúng mức, xử lý triệt để, đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải có tầm nhìn.
Hiện, Hải Phòng mới có 2 khu xử lý rác thải Đình Vũ và Tràng Cát, hình thức chủ yếu là chôn lấp nhưng luôn ở trong tình trạng quá tải. Đến nỗi, lãnh đạo quận Hải An đã kiến nghị thành phố nên dừng tiếp nhận rác từ quận Đồ Sơn và Dương Kinh về đây xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường, giảm thiểu ảnh hưởng tới cuộc sống người dân các phường Tràng Cát, Nam Hải. Trong khi đó, khu xử lý chất thải rắn Gia Minh tại huyện Thủy Nguyên có quy mô quy hoạch 35ha chưa đi vào hoạt động, thời gian đầu tư xây dựng kéo dài.
Việc thu gom rác thải khu vực nông thôn, hiện có 2 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên do Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ kho vận Phú Hưng là chủ đầu tư trên diện tích hơn 13ha và tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải. Trước đó, thành phố cũng đã đầu tư gần 30 tỷ đồng xây dựng 5 lò đốt rác sinh hoạt tại 4 huyện nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc tạm dừng vận hành vì có quá nhiều vướng mắc; 1 lò chưa đưa vào vận hành. Nhìn chung, việc thu gom và xử lý rác thải ở nông thôn, kể cả tại các xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng còn nhiều lúng túng, kém hiệu quả, mang tính chất tạm bợ, xử lý tình thế trong một vài năm.
Cần chiến lược lâu dài
Theo kế hoạch số 05 ngày 5/01/2018 của UBND thành phố Hải Phòng về kế hoạch quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh 100%, giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp, tiến tới đóng cửa dần các bãi chôn lấp; phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, với hiện trạng và thực tế phát sinh chất thải rắn hiện nay, với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, thì quá trình tái chế sử dụng rác thải, biển rác thành tiền không thể kéo dài tới tận năm 2050 mà phải được thực hiện ngay trong những năm tới. Đây là yêu cầu cấp bách là mệnh lệnh từ cuộc sống.
Trước thực trạng về rác thải hiện nay của Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thành phố đã chỉ đạo và giao cho các ngành liên quan xây dựng đề án xử lý rác tổng thể theo hướng áp dụng công nghệ cao. Theo đó, thành phố đã bước đầu nghiên cứu và dành sự quan tâm tới các dự án điện rác. Địa điểm dự kiến xây dựng là tại Đình Vũ (quận Hải An) và xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo). Sở dĩ đặt tại 2 vị trí này là vì phù hợp với quy hoạch điện 8 và nhiều yếu tố khác. Khi đi vào vận hành, có thể bảo đảm xử lý được toàn bộ rác thải hiện tại mỗi ngày của thành phố, cộng với lượng rác tồn đọng tại 2 bãi rác và bảo đảm xử lý đạt 2.600 – 3.000 tấn rác/ngày cho tới năm 2030”.
Nếu thực hiện được, đây sẽ là giải pháp đột phá, không những giải quyết được vấn nạn về rác bấy lâu nay mà thực chất đã tiếp cận với tư duy mới, biến rác thành năng lượng, thành tiền. Quan trọng hơn là bước tiến quan trọng xây dựng thành phố Hải Phòng văn minh, hiện đại. Đây là điều mà người dân thành phố luôn mong đợi.
Đại Vũ
Theo