(Xây dựng) – Hàng chục cây cầu dân sinh bắc qua sông, kênh mương trên địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bị hư hỏng, xuống cấp theo năm tháng, những nhịp cầu liêu xiêu mất an toàn luôn hiện hữu với người và phương tiện tham gia giao thông.
Cầu Bến Làng bắc qua sông Nhùng, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng. |
Hải Lăng là một vùng trũng, có nhiều sông, kênh mương. Theo đó, địa bàn huyện này có đến gần 50 cây cầu dân sinh trên các tuyến đường huyện, tuyến đường xã được xây dựng từ năm 1980 về trước. Quy mô và kết cấu cầu dân sinh tương đối đơn giản, gồm các loại hình: Cầu bản, cầu dầm bê tông cốt thép, cầu dầm thép liên hợp.
Ông Lê Nhân Mạnh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hải Lăng cho biết: Chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan của huyện luôn chú trọng đến công tác tu sửa, đảm bảo an toàn đối với hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn. Song, do tiềm lực của huyện còn khó khăn nên việc sửa chữa, xây mới cầu chưa đáp ứng với thực tế. Chính vì vậy, đến nay có đến gần 30 cầu dân sinh trên địa bàn Hải Lăng bị xuống cấp, trong đó có khoảng 15 cầu xuống cấp nghiêm trọng, được xếp vào loại cầu yếu.
Đứng trên cầu Bến Làng bắc qua sông Nhùng, thuộc tuyến đường huyện Phú Quy ĐH49b, tại địa phận xã Hải Quy (huyện Hải Lăng) mới cảm nhận được nguy hiểm đang rình rập, chưa biết sự cố xảy ra khi nào. Cầu Bến Làng có chiều dài 56m, khổ cầu 3,5m, trọng tải thiết kế 2,5 tấn, loại cầu dầm bê tông cốt thép và được xây từ năm 1981, từ đó đến nay cầu chưa được tu sửa lần nào; lan can trên cầu đã bị gãy, đổ nhiều đoạn; đoạn giữa cầu bị nứt khoảng 10cm, qua vết nứt này nhìn thấy các dầm cầu đã bị hoen gỉ…
Trong khi đó, cầu Bến Làng là tuyến giao thông chính giữa các xã Hải Hưng, Hải Quy đi thị xã Quảng Trị, lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn. Điều đáng lưu ý, sau khi đường tránh thị xã Quảng Trị (có điểm đấu với tuyến đường Phú Quy ĐH49b) được xây dựng hoàn thành cách đây 3 năm, học sinh từ các xã nói trên học tại trường THPT thị xã Quảng Trị tập trung đi trên tuyến đường này nhiều hơn. Ngày ngày chứng kiến xe và người đi qua lại cầu Bến Làng, nhất là mỗi khi mùa mưa lũ, dòng nước chảy xiết trên dòng sông Nhùng, chị Nguyễn Thị Phương có nhà ở cận cầu Bến Làng không khỏi lo lắng, chị tâm tư: “Lúc nào cầu Bến Làng được đầu tư, sửa chữa thì lúc đó người dân chúng tôi mới thật sự an tâm!”.
Cầu Đình bắc qua khe Đình thuộc tuyến đường xã nằm ở địa phận thôn Nam Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải lăng) có chiều dài 7,1m, khẩu cầu 3,3m, thuộc loại cầu dầm bản được xây trước năm 1980. Đây là tuyến đường duy nhất để di chuyển từ các khu dân cư lên vùng lúa 80ha, 50ha cây màu và 500ha rừng kinh tế của thôn Nam Chánh.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết: Do kinh phí hạn hẹp, nên cầu Đình được thiết kế và xây dựng khá đơn giản, đó là dầm và mặt cầu được bắc qua 2 trụ cầu, lan can chỉ làm bằng mấy thanh sắt nối với nhau qua những trụ bê tông cốt thép nhỏ… khẩu độ giữa 2 trụ cầu ngắn, tạo ra lưu vực dòng chảy của khe bị hẹp, nên hiện tại đáy khe bị nước chảy làm xói sâu hơn đế của trụ cầu. Chính vì vậy, hai trụ cầu bị lún xuống gây ra vết nứt giữa dầm cầu và trụ cầu. Do xuống cấp nghiêm trọng, cầu Đình xếp vào loại cầu yếu, do vậy xe ôtô tải phải đi qua đường tạm, tuy nhiên về mùa mưa thì không thể đi được, do đó việc vận chuyển hàng hóa qua lại con đường này rất nan giải.
Ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng chia sẻ: Hiện tại, huyện Hải Lăng đã tổ chức rà soát, đánh giá lại hệ thống cầu dân sinh và đã đặt ra mục tiêu, là từ đây đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành công tác sửa chữa, xây mới những cây cầu bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên để hoàn thành được mục tiêu đó, Hải Lăng cần có sự giúp sức thiết thực từ tỉnh Quảng Trị và Trung ương.
Hữu Tiến
Theo