(Xây dựng) - Sáng 30/3, tại xứ đồng Tám Thôn, xã Yến Sơn, UBND huyện Hà Trung đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất phục vụ Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới phía đông thị trấn Hà Trung. Tuy nhiên, Buổi cưỡng chế đã phải dừng lại giữa chừng do vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số người dân.
Buổi cưỡng chế tại xứ đồng Tám Thôn đã phải dừng lại giữa chừng do vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số người dân. |
Sau cuộc cưỡng chế bất thành, các hộ dân đã dựng lều bạt án ngữ trên đường dẫn vào khu vực dự án để ngăn chặn việc thi công của chủ đầu tư. Có mặt tại đây vào ngày 7/4, PV Báo điện tử Xây dựng ghi nhận, trên cánh đồng lúa xanh mơn mởn sắp trổ đòng, một số thửa ruộng lúa đã bị san lấp tạo mặt bằng, nhiều mảnh ruộng, lúa bị vùi sâu dưới bùn hoặc nhổ bỏ nằm chỏng trơ, cùng với đó là những chiếc máy xúc, máy lu của đơn vị thi công nằm bất động.
Thấy sự có mặt của PV, những người dân đang “ứng trực” tại căn lều đều đồng loạt bày tỏ bức xúc trước việc cưỡng chế của chính quyền. Theo bà con, trong quá trình triển khai dự án, họ có được xã gọi lên để họp, nhưng chỉ được nghe thông báo về viêc áp giá đền bù, ký xác nhận diện tích bị thu hồi theo kiểu áp đặt. Ai có ý kiến gì đều bị “cắt ngang” không cho trình bày? Bất bình vì cho rằng không được bàn bạc dân chủ, trong khi giá đền bù quá thấp, chỉ 20 triệu đồng/sào ruộng (500m2), bà con đã không đồng ý nhận đền bù và tổ chức ngăn cản việc thi công. Trong đó, một số hộ không ký vào văn bản xác nhận diện tích.
Về sự việc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Xuân Dũng cho biết, khu vực cánh đồng phải cưỡng chế, thu hồi gồm 3 dự án: Đường giao thông, trường THCS và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Đông, thuộc các dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Nhóm dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, được UBND huyện đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
Cũng theo ông Dũng, quá trình triển khai, huyện đã nhiều lần tổ chức họp, đối thoại và tuyên truyền, vận động nhân dân có đất bị ảnh hưởng. Về giá đền bù, ngoài 20 triệu đồng/sào, còn có tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ lương thực, cộng cả đền bù là 52,5 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, một số bà con không hiểu nên phản đối, vì cho rằng mức giá quá thấp bởi đây là dự án “phân lô bán nền”, nhà đầu tư phải thỏa thuận với dân.
Ngoài việc chưa nắm rõ về chủ đầu tư dự án còn thêm một vấn đề là trước đó, dự án xây dựng nút giao Quốc lộ 217 (trên khu ruộng giáp ranh của xã Yến Sơn) diện tích ruộng bị thu hồi được đền bù mức giá cao hơn. Theo ông Dũng, mặc dù cùng là dự án do nhà nước thu hồi đất, nhưng dự án này thuộc nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, nên được hưởng chính sách ưu đãi riêng, có mức đền bù cao hơn.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về vụ việc “nóng” này, Bí thư Huyện ủy Hà Trung Lê Văn Dậu cho biết, ông mới được phân công nhận trọng trách mới nên chưa nắm rõ về việc này. Nhưng qua báo cáo, làm việc với bên chính quyền, ông khẳng định UBND huyện Hà Trung đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định trong áp giá đền bù, hỗ trợ cũng như trong quá trình triển khai công tác cưỡng chế, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo ông nếu trước khi cưỡng chế, UBND huyện tổ chức họp báo, thông tin cho các cơ quan ngôn luận, sẽ giúp việc phản ánh được toàn diện, đầy đủ hơn. Thêm nữa, việc cưỡng chế diễn ra vào lúc lúa đang làm đòng, xanh tốt. Những hình ảnh một phần thửa ruộng lúa xanh mơn mởn bị vùi dưới bùn, những cây lúa bị nhổ bỏ, nằm ngổn ngang được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội, kèm theo thông tin một chiều đã ít nhiều gây phản cảm, khiến dư luận bức xúc, có cái nhìn không đúng về sự việc.
Về hướng giải quyết trong thời gian tới, theo Bí thư Huyện uỷ Hà Trung, chấp hành chỉ đạo của tỉnh, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, đối thoại với những hộ chưa đồng ý nhận đền bù theo phương châm “còn nước còn tát”; cố gắng tới mức cao nhất để đạt được sự đồng thuận trong nhân dân, hạn chế tối đa việc cưỡng chế.
Được biết, tổng diện tích đất phải thu hồi phục vụ nhóm dự án tại Yến Sơn khoảng 50ha, số bị ảnh hưởng gồm 460 hộ, trong đó có 103 hộ chưa đồng ý nhận đền bù. Riêng dự án hạ tầng khu dân cư phải tổ chức cưỡng chế thuộc về 18 hộ, đa phần thuộc thôn Phú Nham. Tiếp xúc với PV, đại diện những hộ này đều quả quyết rằng dự án này thực chất là để “phân lô bán nền”, thu lợi nhuận nên chủ đầu tư phải thảo thuận giá cả đền bù thỏa đáng với dân?
Qua nhận thức của một bộ phận người dân như trên, phải chăng trong quá trình triển khai dự án, chính quyền các cấp của huyện Hà Trung chưa thật sự làm tốt, làm đủ công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại để người dân hiểu đúng, nắm rõ về dự án, dẫn đến chưa có sự đồng thuận nên không chấp hành cưỡng chế? Theo tìm hiểu của PV, tại các xứ đồng xã Yến Sơn, ngoài dự án nút giao Quốc lộ 217 có mức đền bù cao hơn, còn có dự án xây dựng trung tâm thương mại được Nhà nước cấp phép (đang được triển khai), do tư nhân đầu tư, tự thỏa thuận mua lại ruộng của dân nên có mức giá rất cao. Thực tế trên ít nhiều đã ảnh hưởng đến nhận thức, suy nghĩ của người dân khi so sánh mức giá đền bù chênh lệch trên cùng một khu ruộng.
Do đó, công tác tuyên truyền, vận động càng phải được chú trọng, được thực hiện một cách kiên trì, sâu rộng, kể cả phải “làm đi làm lại nhiều lần”. Phải bằng mọi cách để người dân hiểu rõ, hiểu đúng về mục đích của các dự án, ủng hộ việc triển khai thi công. Ngoài ra, cùng với đền bù, hỗ trợ, chính quyền địa phương cũng cần và nên xem xét nguyện vọng chính đáng của người nông dân, tạo sinh kế ổn định cho bà con sau khi mất ruộng. Đối với những hộ muốn tiếp tục có ruộng sản xuất, chính quyền địa phương nên rà soát, xem xét lại quỹ đất nông nghiệp, đât công ích để có thể cấp đổi cho họ một thửa ruộng tương đương, qua đó giúp người nông dân được tiếp tục gắn bó với nghề nông “một nắng hai sương” mà họ đã bao đời gắn bó.
Một số hình ảnh về những người dân phản đối bàn giao mặt bằng bên khu ruộng của mình và hiện trường của dự án sau cuộc cưỡng chế:
Đào Nguyên
Theo