(Xây dựng) - Thực hiện Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh vừa có văn bản đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp thực hiện một số nội dung về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Lực lượng cứu hộ đưa các nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại dự án thi công đường dây 500 kV ở phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh (Ảnh: Trần Tuấn). |
Thời gian qua, các Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp, giải pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể: Năm 2021, trên địa bàn tỉnh, đã xảy ra 14 vụ tai nạn lao động, làm chết 10 người, bị thương 6 người. Năm 2022 xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, làm chết 6 người, bị thương 6 người. Năm 2023 xảy ra 10 vụ tai nạn lao động, làm chết 8 người, bị thương 5 người.
Mặc dù số vụ tai nạn lao động đã giảm dần theo các năm, nhưng Hà Tĩnh vẫn là địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, trong đó mới nhất là ngày 6/5/2024, tại dự án thi công đường dây 500 kV ở phường Kỳ Liên (thị xã Kỳ Anh) xảy ra sạt lở đất làm 3 người chết, 4 người bị thương.
Thực hiện Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã và các doanh nghiệp thực hiện một số nội dung:
Tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng, hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới; Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 09/5/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và các nghị định, thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành về công tác an toàn, vệ sinh lao động đến tận cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới; Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động; Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 09/5/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 sát đúng tình hình thực tế, hiệu quả, tránh hình thức phô trương, đối phó. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý, trên địa bàn quản lý thực hiện tốt các nội dung:
Rà soát kỹ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như: Lò hơi, hệ thống đường ống dẫn khí nén, thiết bị nâng… Kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng hiện vật, trang bị bảo hộ lao động và thực hiện đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Đảm bảo các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh lao động.
Thực hiện công tác tự kiểm tra, đánh giá để phát hiện các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.
Tăng cường tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, Luật An toàn vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách lao động, an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về các lĩnh vực thuộc ngành, đơn vị quản lý để kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập, đề xuất giải pháp khắc phục, điều chỉnh đảm bảo ổn định, phát triển sản xuất.
Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện.
Phương Dung
Theo