(Xây dựng) - UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công văn số 2081/UBND-NL1 chỉ đạo về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Mùa hè năm 2024 Hà Tĩnh khả năng nắng nóng, hạn hán vẫn diễn ra gay gắt. |
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù bước vào sản xuất vụ xuân năm 2024, nguồn nước tại các hồ đập trên địa bàn tỉnh hầu hết đang đạt dung tích thiết kế, song theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa hè năm 2024 khả năng nắng nóng, hạn hán vẫn diễn ra gay gắt.
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; để chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 02/CĐ-UBND của UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các Văn bản của UBND tỉnh: Số 500/UBND-NL1 về việc các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2024; số 1011/UBND-XD1 về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo cấp nước an toàn ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu đồng thời tập trung triển khai thực hiện một số nội dung: Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức ra quân nạo vét, kiên cố hóa kênh mương, tu bổ, sửa chữa các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng…, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm giữ nước, lắp đặt phương tiện lấy nước để chủ động vận hành, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng.
Chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; chủ động thực hiện giải pháp cung cấp nước, không để thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của nhân dân, nhất là đối với vùng núi, vùng ven biển thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra.
Hà Tĩnh ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung nhằm đảm bảo cấp nước, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. |
Chủ động bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước tập trung.
Chủ động phối hợp với điện lực các huyện, thành phố, thị xã đảm bảo cấp điện ổn định cho các công ty cấp nước, nhà máy nước sạch, các trạm bơm nhằm đảm bảo cấp nước, ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Đối với các Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh và Bắc Hà Tĩnh, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức vận hành đóng mở các cửa cống ngăn mặn, giữ ngọt hợp lý, theo dõi, quan trắc, kiểm soát độ mặn để tạo nguồn nước đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất, dân sinh. Phối hợp với Công ty Điện lực Hà Tĩnh có phương án đảm bảo nguồn điện phục vụ các trạm bơm tưới và đặc biệt là các trạm bơm có nguồn nước ảnh hưởng của thủy triều. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h tại cơ quan và các cụm, trạm để kịp thời xử lý các kiến nghị của địa phương trong quá trình vận hành cấp nước.
Tổ chức kiểm kê, đánh giá và cân đối nguồn nước hiện có của từng công trình thủy lợi được giao quản lý, đặc biệt là các công trình hồ chứa có mực nước xuống thấp, các công trình đập dâng, trạm bơm lấy nước trên các sông, suối để xây dựng kế hoạch tưới và phương án chống hạn phục vụ sản xuất, dân sinh vụ hè thu năm 2024 cho từng công trình, từng vùng cụ thể.
Tổ chức kiểm kê, đánh giá và cân đối nguồn nước hiện có của từng công trình thủy lợi được giao quản lý, đặc biệt là các công trình hồ chứa có mực nước xuống thấp. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đối với các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang triển khai xây dựng trên địa bàn tỉnh để sớm đưa vào vận hành, khai thác phục vụ cấp nước, phát huy hiệu quả công trình. Phối hợp với các địa phương, đơn vị rà soát, xác định các vùng có thể chủ động được nguồn nước, vùng có nguy cơ cao bị hạn hán, thiếu nước, trên cơ sở đó hướng dẫn chuyển đổi cây trồng, sản xuất phù hợp, hạn chế nguy cơ bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy cấp nước đô thị và khu công nghiệp chủ động rà soát, có phương án vận hành, điều tiết hệ thống cấp nước phù hợp với điều kiện của nguồn nước thô nhằm cấp nước an toàn cho người dân và khách hàng; rà soát triển khai các giải pháp đảm bảo chống thất thu, thất thoát nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền hình hoạt động trên địa bàn và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đến các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và người dân về sử dụng tiết kiệm điện, nước, chủ động ứng phó với tình trạng nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Với các Sở, ban, ngành liên quan theo chức năng quản lý Nhà nước được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai công tác phòng, chống, khắc phục tình trạng nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trần Minh
Theo