(Xây dựng) - Thời gian qua, nhiều giải pháp cải cách hành chính đã được tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện theo hướng tinh gọn, đồng bộ và công khai minh bạch. Những kết quả đạt được trong cải cách hành chính mở ra môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh góp phần vào sự tăng trưởng ổn định kinh tế - xã hội.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hà Tĩnh. |
Triển khai thực hiện nhiều giải pháp
Xác định cải cách hành chính là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều giải pháp cải cách hành chính đã được Hà Tĩnh triển khai thực hiện có hiệu quả như: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thực hiện nghiêm túc cơ chế một cửa liên thông về đăng ký đầu tư. Đồng thời, tập trung rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính, các giấy phép, các quy định về đầu tư không cần thiết, nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí không chính thức cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực hỗ trợ, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi đầu tư vào Hà Tĩnh, nhất là về thủ tục thẩm định phê duyệt dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giải phóng mặt bằng và cho thuê đất. Đặc biệt, Hà Tĩnh đã tăng cường công tác đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp FDI đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Đẩy mạnh ứng dụng hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và phát triển dịch vụ công mức 4, đến hết năm 2021, phấn đấu trên 30% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận và thụ lý qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiệu quả cổng thông tin điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp thông tin, tích hợp đầy đủ các ứng dụng đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; đồng thời phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (hatinhtrade.luisala.com), sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin để tham gia xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua thương mại điện tử. Thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp phát huy hiệu quả các cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách, chủ trương của tỉnh. “Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động toàn thể cán bộ, công chức viên chức, cùng chung tay đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với tinh thần, trách nhiệm cao. Làm tốt vai trò tham mưu về xúc tiến đầu tư; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư gắn với phát triển kinh tế đối ngoại, các sự kiện hội nghị, diễn đàn lớn”, ông Võ Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết.
Thành tích vượt trội trong cải cách hành chính
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng với những nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính của Hà Tĩnh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tạo ra môi trường thông thoáng, điểm đến tin cậy của các cá nhân, doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Hà Tĩnh thu hút 39 dự án đầu tư trong nước với tổng mức hơn 2.900 tỷ đồng và 01 dự án đầu tư nước ngoài gần 2,5 tỷ USD. tính đến nay, Hà Tĩnh đang là nơi hội tụ của hơn 1.400 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với 1.459 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 437.000 tỷ đồng. Trong đó, có 1.383 dự án trong nước với tổng số vốn gần 120.000 tỷ đồng; 76 dự án FDI, vốn đăng ký 13,76 tỷ USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 21 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng vốn đăng ký trên 971 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn gồm: Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh (600 tỷ đồng); Hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Thạch Bằng tại thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà (71 tỷ đồng); Nhà máy Thủy điện Đá Hàn (48,3 tỷ đồng); Showroom ôtô PGS Hà Tĩnh (61,6 tỷ đồng).
Ông Trần Việt Hà - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh chia sẻ: “Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đẩy nhanh tiến độ đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện vào hoạt động. Tiếp tục thực hiện đối thoại giữa tổ chức, cá nhân về lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng… đồng thời, duy trì ứng dụng phần mềm tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công; phần mềm một cửa liên thông và đăng ký kinh doanh trực tuyến cấp quốc gia nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp”.
Với những nỗ lực trong đẩy mạnh cải cách hành chính mang đến môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch hấp dẫn, qua đó xây dựng hình ảnh Hà Tĩnh là một tỉnh năng động đối với cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực thu hút đầu tư thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phương Uyên
Theo