(Xây dựng) - Đi vào con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (Hà Nội) khi mà mặt trời chói chang đã dịu nhưng hơi nóng mặt đường vẫn hầm hập bốc lên. Những tiếng cười với chất giọng khỏe mạnh, ai biết rằng ngày ngày các cụ đang phải chống chọi với cái nắng như thiêu đốt trong những căn phòng trọ chật hẹp và lâu hơn là sự chiến đấu kiên cường với căn bệnh quái ác hàng chục năm.
Chạy thận 3 lần/tuần, Hà Nội trở thành nhà
Nhìn những cánh tay nổi cục chi chít, sưng phù do truyền hóa chất, nghe các cụ chia sẻ về bệnh tình của mình chúng tôi mới ngỡ ngàng rằng xóm trọ này có những người bệnh chạy thận đã chiến đấu dai dẳng suốt 11, 12 năm.
Những cánh tay nổi cục, sưng phồng vì truyền hóa chất chở đau nhức hơn những ngày nóng bức (Ảnh: Hồng Thương). |
Bà Nguyễn Thị Sự (70 tuổi, quê Bắc Giang) chia sẻ: “Trước bệnh tình nhẹ chạy 2 lần một tháng thì đi đi lại lại từ quê lên được, nhưng bây giờ lên đến 3 lần chạy thận trên một tuần. Tôi già rồi, không muốn xa quê, rời quê đâu, nhưng cứ cách một ngày lại phải đến lọc thì phải trọ lại ở đây chứ không về quê nổi”.
Sau nụ cười là ánh mắt nao lòng, khắc khoải mong nhớ về quê hương, về gia đình con cháu của những cụ nơi đây. Khi mà ở cái tuổi được con cái phụ dưỡng, được ở bên cháu chắt bế bồng thì các cụ xóm chạy thận một mình nơi Thủ đô để duy trì lọc máu theo chu kỳ.
Cả khu trọ của xóm chạy thận có trên 130 bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh thành. Từ những người không quen biết, họ bỗng trở thành nơi nương tựa lúc nắng gió, nơi bầu bạn khi bóng tối chùm lên khu trọ để vơi bớt cô quạnh.
Những đêm xóm trọ không ngủ…
Cái nắng chói chang dội xuống những căn nhà cấp bốn lợp fibro xi-măng với diện tích mỗi phòng vỏn vẹn 9,2m2, nơi mà hành lang đi lại chỉ được che đậy tạm bằng tấm nhựa cũ chỉ đợi khi giông gió để tốc, bật lên. Phòng trọ chật hẹp nên hành lang rộng hơn 1m nắng thì nóng, mưa thì dột này là nơi để nấu nướng, giặt đồ.
Mái tôn tạm bợ đã rách gần hết (Ảnh: Hồng Thương) |
Khu trọ nhỏ, lụp xụp 5-6 phòng và một nhà vệ sinh chật hẹp chung được coi là giá thuê bình dân ở Hà thành. Nhưng với tiền thuê một triệu hai một tháng chưa kể điện nước, đối với các ông bà chạy thận ở đây là một số tiền không hề nhỏ. Bởi mười mấy năm chạy thận là những tháng ngày trang trải tiền tiền lọc chạy thận, tiền thuốc men, đi lại và tiền ăn uống sinh hoạt.
Trời nhá nhem, nhưng hiếm lắm mới thấy được ánh đèn leo lắt. Nóng và bí hơi nhưng quạt điện các cụ không dám bật lâu vì giá điện năm nghìn một số điện. Điện ở nơi đây chỉ bật những lúc cần thiết nhất. Và dù có quạt cũng chẳng thể xua đi cái nóng của Hà Nội.
Hành lang chật hẹp là nơi sinh hoạt chung (Ảnh: Diệu Linh) |
“Như tháng trước tôi dùng 66 số điện mất hơn 300 nghìn. Nước tính theo đầu người là 100-150 nghìn. Lâu mới về quê, thấy con cái, cháu chắt nó bật điện các loại, xả nước mà cứ xót vì vẫn ngộ là sợ tốn kém như trên trọ. Chúng nó bảo không đáng bao nhiêu đâu mẹ!”, bà Sự chia sẻ.
Khi mặt trời lặn bóng, mỗi tay một quạt nan các bà rủ nhau ra lề đường phòng trọ ngồi cho thoáng và hưởng gió chiều tà. Nhưng thời tiết nắng nóng như mấy hôm nay, hơi nóng mặt đất phả lên như xông hơi nên cũng chẳng thể ngồi được lâu. Tuổi già khó ngủ, càng khó ngủ hơn trong những đêm hè oi bức nơi xóm trọ.
Mong chút gió trời xua đi cái nóng của những ngày Hà Nội trên 40độ C (Ảnh: Diệu Linh). |
Bà Mím (68 tuổi, quê ở Thái Bình) chia sẻ: “Phòng nóng quá, nhiều đêm không ngủ được phải lấy giẻ ướt lau giường, lau nhà. Có những hôm phải dội nước cho ướt phía tường bên ngoài, dội kín cả hành lang nhưng cũng không đỡ là bao”.
Kiên cường chiến đấu với bệnh tật
Bất cứ ai đến hay vô tình đi qua xóm trọ này đều cảm thấy mình may mắn. Vì cuộc chiến với bệnh tật của các cụ không chỉ một hay năm mà đến cả thập kỷ. Nụ cười vẫn nở trên môi của các cụ, vẫn câu hỏi thăm, vẫn những câu chuyện thường nhật hằng. Dù cuộc sống khó khăn nơi xóm trọ chật hẹp, họ vẫn kiên cường đấu tranh với bệnh tật, vì mỗi ngày được sống là một lời cảm ơn dành cho cuộc đời.
Dưới tiết trời nắng như đổ lửa, các cụ vẫn nói vui rằng mình không chỉ chạy thận mà còn chạy cả nắng nóng nữa.
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Hồng Thương - Diệu Linh
Theo