(Xây dựng) – Trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện tồn tại nhiều kho xưởng, sân bóng trái phép trên đất nông nghiệp và đất dự án. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan, ảnh hưởng vấn đề an ninh trật tự mà còn cho thấy những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý của các đơn vị chức năng.
Nhà xưởng trên đất nông nghiệp tại đường Phạm Văn Bạch, phường Dịch Vọng Hậu tồn tại nhiều năm chưa bị xử lý? |
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng trên tuyến đường Phạm Văn Bạch đoạn gần Cung Trí Thức, Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội tồn tại nhiều nhà xưởng, cửa hàng, quán ăn, quán nhậu được dựng trên đất nông nghiệp. Cụ thể, khu vực này tồn tại các cửa hàng, gara ôtô, bãi trông giữ xe máy, sân tennis, cửa hàng ăn, quán nhậu nằm sát nhau. Được biết, các công trình được dựng bằng khung sắt, mái tôn. Thậm chí, công trình sân tennis nằm sát đó được làm khá quy mô, bài bản. Tất cả những công trình nói trên đều được dựng trên đất nông nghiệp cách đây nhiều năm.
Nhà xưởng, sân bóng tồn tại trên đất nông nghiệp tại ngõ 7 đường Tôn Thất Thuyết. |
Cũng là nhà xưởng, sân bóng mini tồn tại trái phép trên đất nông nghiệp, hiện tại trong ngõ 7 đường Tôn Thất Thuyết, cạnh tuyến đường đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D26 khu đô thị mới Cầu Giấy cũng đang tồn tại một dãy nhà xưởng và sân bóng đá rộng hàng nghìn m2.
Được biết, phía trước khu kho xưởng này có rào tôn kín, có cổng ra vào. Tuy nhiên, trên lối ra vào không ghi biển tên kho xưởng hay chỉ dẫn, giới thiệu. Phía trong là dãy nhà khung thép, mái tôn được dựng lên chạy dài theo tuyến đường đấu nối hạ tầng kỹ thuật ô đất D26. Ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bên trong dãy nhà xưởng này được sử dụng làm nơi xẻ đá, vật liệu bày ngổn ngang với rất nhiều công nhân đang làm việc
Nhà xưởng dựng trái phép sử dụng không đúng mục đích tại số 28 đường Phạm Hùng. |
Trong khi đó, nằm cạnh phía sau kho đá này là hàng loạt các sân bóng đá mini được dựng lên với mặt cỏ nhân tạo cùng khung cột đèn chắc chắn được dựng lên và tồn tại từ nhiều tháng nay. Ngay lối vào xưởng đá, có biển chỉ dẫn ghi sân bóng Giang Sơn.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn cán bộ địa chính phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) thừa nhận toàn bộ hệ thống sân bóng đá mà phóng viên đề cập thuộc địa phận quản lý của UBND phường Mỹ Đình 2.
Còn diện tích xưởng đá thuộc địa phận quản lý của phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Theo ông Tuấn hiện tại khu này đang tồn tại khoảng 6 sân bóng đá mini với tổng diện tích khoảng 7.000m2. Cũng theo ông Tuấn toàn bộ các sân bóng đá mini này đều được dựng trên đất nông nghiệp.
Về hướng xử lý vi phạm, ông Tuấn cho biết đã lập hồ sơ báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, khi phóng viên ngỏ ý muốn tiếp cận hồ sơ vi phạm thì ông Tuấn cho biết phải xin ý kiến lãnh đạo và thông tin sau cho phóng viên.
Trước những tồn tại diễn ra tại đường Phạm Văn Bạch, đại diện Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết: Các công trình dọc tuyến đường Phạm Văn Bạch, khu vực cạnh Cung Trí Thức đến gara ôtô B&T thuộc địa phận phường Dịch Vọng Hậu. Về những tồn tại này, đại diện Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường Dịch Vọng Hậu cũng mới chỉ có hướng là kiến nghị cấp trên xem xét phương án xử lý.
Một trong những dự án sử dụng đất không đúng mục đích được giao, gây bức xúc dư luận thời gian vừa qua là dự án nằm tại số 28 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Được biết, lô đất này có diện tích hơn 4.000m2 được UBND Thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Thăng Long xây dựng nhà cao tầng để bán và dịch vụ công cộng kết hợp nhà trẻ, văn phòng cho thuê… Tuy nhiên, trái với mục đích được giao, lô đất này lại được “xẻ thịt” thành xưởng, gara ôtô, siêu thị để cho thuê, kinh doanh với quy mô bề thế. Theo tìm hiểu được biết, khu đất này từng bị cưỡng chế một lần nhưng vẫn chưa triệt để. Và đến thời điểm hiện tại, vi phạm trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nhà xưởng tồn tại trên đất nông nghiệp tại Khu Đầm Chuối, phường Khương Đình. |
Đặc biệt trong số này là loạt kho xưởng trái phép cả nghìn m2 trên đất nông nghiệp tại Khu Đầm Chuối, phường Khương Đình thuộc quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, suốt nhiều năm nay các ngành chức năng của địa phương này vẫn chỉ loay hoay tìm hướng giải quyết mà chưa thể xử lý dứt điểm. Theo lý giải của ông Nguyễn Thái Thụy cán bộ địa chính phường Khương Đình khu nhà xưởng này có diện tích hơn 1.000m2 đã tồn tại từ lâu. Hiện tại UBND đang xác minh để xử lý với những vi phạm tại đây. “Hiện UBND phường cũng đang liên hệ của quận Thanh Xuân để xin sao lưu hồ sơ”, vị này chia sẻ khi phóng viên yêu cầu được cung cấp hồ sơ.
Nhà xưởng kiên cố tại phường Phúc La, quận Hà Đông. |
Cũng theo tìm hiểu, tại khu đất nông nghiệp do HTX Yên Phúc quản lý nằm tại phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) được hô biến thành nhà xưởng, sân bóng với diện tích hàng nghìn m2 trong nhiều năm qua nhưng chính quyền lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất trên nằm giáp giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, hiện tại khu vực này xuất hiện hàng loạt nhà xưởng xây dựng kiên cố và một sân bóng nhân tạo hoạt động rầm rộ suốt trong thời gian dài. Khu vực nhà xưởng xây dựng trên diện tích rộng cả nghìn mét vuông, được dựng bằng khung thép và quây bằng mái tôn nằm sát khu dân cư tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, gây tiếng ồn, bụi và có nguy cơ cháy nổ cao, mất an toàn giao thông trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn H (người dân sống tại khu vực) cho biết: “Khu vực này ngày xưa là đất nông nghiệp và hiện nay thuộc quản lý của HTX Yên Phúc. Nhiều năm trở lại đây, khu vực này được nhiều đơn vị thuê lại để làm nhà xưởng và sân bóng. Những vi phạm này đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng chính quyền vẫn không xử lý dứt điểm”.
Để tìm hiểu rõ sự việc trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã đặt lịch làm việc tại UBND phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) nhiều ngày qua nhưng chưa nhận được sự phản hồi từ phía đơn vị này.
Nhà xưởng tồn tại tại Khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức. |
Cũng theo khảo sát, tại Khu đô thị mới Vân Canh, hàng nghìn m2 nhà xưởng không phép đã tồn tại nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, khu nhà xưởng nói trên là của Công ty Cổ phần Dotexco có diện tích hơn 7.000m2 với nhà khung sắt mái tôn được dựng lên từ nhiều năm trước tại khu đất CC3 và CC3’.
Được biết, ngày 8/11/2019, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả số 5716/QĐ-CC đối với Công ty Cổ phần Dotexco. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư loạt nhà xưởng này mới tự tháo dỡ được khoảng 6.000m2 nhà kho xưởng kết cấu khung cột, mái lợp tôn, còn vẫn tồn tại nhà kho có diện tích khoảng 1.000m2 chưa được tháo dỡ.
Trước những tồn tại trên, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có phương án chỉ đạo, yêu cầu các ngành chức năng thuộc các Phường, Quận huyện nêu trên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra nhằm xử lý dứt điểm những sai phạm nêu trên.
H. Thảo – Gia Huy
Theo