(Xây dựng) – Nhiều năm qua, trên địa bàn Thành phố Hà Nội còn tồn tại các khu tái định cư bỏ hoang gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Để giải quyết những bất cập nêu trên, Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, đối với quỹ nhà tái định cư, nếu sau khi đã bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn các căn hộ sử dụng không hết, Sở Xây dựng đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá để thu hồi vốn.
Tòa nhà tái định cư Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) hoang hóa từ nhiều năm nay. |
Nghịch lý từ các khu tái định cư hoang hóa ở Hà Nội
Giữa Thủ đô “tấc đất, tất vàng”, trong khi nhiều người dân không có nhà để ở thì hàng loạt các khu nhà tái định cư vẫn cứ nằm hoang hóa, không một bóng người gây lãng phí trong suốt những năm qua. Điển hình trong số này phải kể đến là khu tái định cư Đền Lừ II nằm tại khu “đất vàng” quận Hoàng Mai. Nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng dự án cầu Vĩnh Tuy, năm 2006, hàng trăm hộ dân ở phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) đã chuyển đến tòa nhà cao 11 tầng khu tái định cư này với hy vọng cuộc sống được tốt hơn. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm sử dụng, các tòa A1,A2, A3… đều đã xuống cấp, nhiều tòa phải di dân. Hiện trạng khu vực này hiện nay giống như một phế tích, đổ nát, không bóng người qua lại.
Tương tự, Khu tái định cư Đền Lừ III được xây dựng, hoàn thiện từ năm 2017, gồm 3 tòa chung cư cao trên 10 tầng. Dự án nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III, nhưng khi hoàn thiện xong, không hộ dân nào chấp nhận về ở. Hiện tòa nhà cũng bị hoang hóa, xuống cấp, không thể sử dụng.
Bên cạnh đó là dự án nhà tái định cư phường Trần Phú (Hoàng Mai) với tổng vốn đầu tư là 761 tỷ đồng, dự án được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2010 nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng công viên tuổi trẻ Thủ đô. Với quy mô 4 tòa nhà cao tầng, năm 2018, chủ đầu tư mới thực hiện xong 2 tòa, hiện công trình cũng đang dần xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm, các hạng mục ngổn ngang.
Tại khu vực quận Long Biên, dự án nhà tái định cư N3-N4-N5 khu đô thị mới Sài Đồng do Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (Handico3) làm chủ đầu tư nhiều năm nay cũng trong cảnh hoang phế, tường cũ rêu phong, không có người về ở.
Còn tại Cầu Giấy, địa bàn có quỹ đất “khan hiếm” nhất nhì nội đô vẫn tồn tại Dự án nhà tái định cư N01-D17 (Dịch Vọng), dự án được bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Với quy mô 15 tầng nổi, 1 tầng hầm, dự án được khởi công từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn đang trong tình trạng “đắp chiếu” không thể hoàn thiện.
Trước thực trạng bất cập này, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, muốn giải quyết khâu sinh kế để người dân về ở lâu dài, nhà tái định cư ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì họ mới đến ở. Cũng cần xem lại cơ chế và chất lượng nhà ở tái định cư.
“Hiện Hà Nội còn tồn tại rất nhiều các khu tái định cư bỏ hoang, đối với những căn hộ dư dôi, có thể cho thuê ngắn hạn, tạo nguồn thu, tránh lãng phí hoặc có chính sách bán đứt cho người dân có nhu cầu ở. Thực tế Hà Nội rất nhiều người dân có nhu cầu nhà ở, trong khi đó, nhà có lại bỏ hoang, đây là nghịch lý”, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
Theo tìm hiểu được biết, Hà Nội đang triển khai 09 khu nhà tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách với khoảng 2.491 căn hộ nằm tại địa bàn các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Long Biên. Trong đó, 03 Dự án xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ nhu cầu di dân GPMB của Thành phố tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên (ô đất NO-15 và NO-16), Dự án xây dựng nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai, Dự án xây dựng nhà B,C khu tái định cư tại phường Trần Phú (phục vụ giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô) đã hoàn thành nhưng đến nay chưa sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Đăng Thịnh - Phó Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, do tiến độ GPMB chậm hoặc đang giai đoạn điều tra, khảo sát nên các chủ đầu tư dự án có GPMB nhưng chưa trình thành phố ban hành quyết định bán nhà.
Một số dự án có quyết định thành lập cơ sở cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, các chủ đầu tư đã bàn giao cho Bộ Tư lệnh thủ đô nhưng đến nay chưa được bàn giao lại để tiếp tục hoàn thiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng để bàn giao cho các hộ dân theo quy định. Sở Xây dựng đã tổng hợp khó khăn, vướng mắc và báo cáo UBND Thành phố, đồng thời đã có nhiều Văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện (nơi có dự án) đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quỹ nhà.
Thời gian tới, để hạn chế thực trạng nhà tái định cư bỏ hoang, ông Nguyễn Đăng Thịnh cho biết, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất một số giải pháp, theo đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở tái định cư, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chậm triển khai.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhận tiền hỗ trợ để tự lo tái định cư tại các dự án GPMB trên địa bàn Thành phố; các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư cũ nhận tiền để tự lo chỗ ở tạm thời trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thay cho việc Thành phố phải bố trí chỗ ở tạm thời.
Đối với quỹ nhà tái định cư, nếu sau khi đã bố trí tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất mà còn các căn hộ sử dụng không hết, Sở Xây dựng đề xuất phương án tổ chức bán đấu giá thu hồi vốn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm là đầu mối trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ; Khoản 2 Điều 8, Khoản 4 Điều 10 Quy định phân công tổ chức giám sát, đánh giá chương trình, dự án của Thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 10/2/2022 của UBND Thành phố, qua đó theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện triển khai đầu tư dự án, đảm bảo tiến độ được phê duyệt.
Phượng Nguyễn
Theo