(Xây dựng) – Hiện nay, tại các đô thị lớn, mật độ dân số đang ngày càng gia tăng, trong khi giá mua và giá thuê nhà đắt đỏ khiến mô hình nhà trọ “hộp ngủ” có cơ hội phát triển. Như tại Thành phố Hà Nội, dù công tác kiểm tra, rà soát an toàn phòng cháy, chữa cháy đã được siết chặt, nhưng loại hình kinh doanh này vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân.
Bên trong một căn nhà trọ “hộp ngủ” ở phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội. |
Thời gian qua, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ ngăn chia thành các phòng có diện tích nhỏ bằng vách thạch cao (hay còn gọi là “hộp ngủ”) xuất hiện khá nhiều tại các thành phố lớn, trong đó có Thành phố Hà Nội. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một công trình nhà ở 3 tầng, trong đó 2 tầng dùng làm phòng trọ “hộp ngủ” tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội có diện tích sàn khoảng 25 - 30m2 nhưng có sức chứa lên tới 16 người/sàn. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy của toàn bộ căn nhà chỉ vỏn vẹn 2 tấm bảng nội quy và 1 chiếc bình chữa cháy nhỏ, ngoài ra không hề có hệ thống phun nước chữa cháy, dù vị trí nằm trong ngõ nhỏ, lực lượng chức năng rất khó tiếp cận. Không những thế, khu vực ban công và cửa sổ đều bị bịt kín với các song sắt, lối thoát hiểm duy nhất cũng chính là lối ra vào. Căn nhà này hiện đang là nơi ở hàng ngày của 32 người, với lối ra vào duy nhất có chiều rộng chừng 1m, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm khi có sự cố.
“Với mức giá 1,4 triệu đồng/tháng cho mỗi chiếc “hộp ngủ”, mô hình thuê trọ này đang thu hút không ít các đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, đặc biệt là sinh viên các trường đại học”, một bạn sinh viên thuê “hộp ngủ” chia sẻ.
Cận cảnh chiếc “hộp ngủ” với diện tích khoảng 2m2, chỉ vừa đủ cho một người sử dụng.
Mỗi tầng chỉ được trang bị 1 chiếc bình chữa cháy nhỏ duy nhất, không có hệ thống chuông báo động hay thiết bị phun nước chữa cháy khẩn cấp.
Các thiết bị điện, dây điện chằng chịt bên cạnh vật liệu gỗ, vải, giấy… dễ bắt lửa tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập cháy.
Cả căn nhà dành cho 32 người chỉ có một lối ra vào duy nhất là một cầu thang có chiều rộng chừng 1m.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, chị Đ.P, một người cho thuê nhà trọ trên đường Khuất Duy Tiến thuộc quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội cho biết: Trước đây chị cũng đã từng kinh doanh dịch vụ “hộp ngủ” này. Tuy nhiên, kể từ khi nắm rõ hơn về các quy định đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, chị đã nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình cho thuê “hộp ngủ” sang kiểu phòng trọ khép kín, mỗi phòng chỉ có 1 - 2 người ở với đầy đủ còi báo động, bình chữa cháy, hệ thống nước chữa cháy cũng như cải tạo hệ thống điện, duy trì vệ sinh và an ninh tại nhà cho thuê. Chị cũng chia sẻ thêm, là người cho thuê phòng, chị cũng không khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ “hộp ngủ” vì không thể đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Các chuyên gia cũng nhận định, những cơ sở kinh doanh này đa phần là công trình nhà ở riêng lẻ, được chủ sở hữu chuyển đổi công năng sử dụng thành nhà trọ “hộp ngủ”. Các cơ sở này đều có điểm chung là các phòng siêu nhỏ, hành lang chật hẹp, sinh hoạt chung đều bất tiện và luôn tiềm ẩn những nguy cơ về cháy nổ. Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường rà soát, tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh có ý thức bảo vệ an toàn cho người dân. Bên cạnh đó, rà soát kiểm tra các hồ sơ về quản lý trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy để yêu cầu các cơ sở ký cam kết khắc phụ các tồn tại, nếu không chấp hành thì sẽ phải xử lý và cương quyết đình chỉ hoạt động.
Theo PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) để giảm nguy cơ cháy nổ xảy ra, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân tuân thủ mục đích, công năng ban đầu khi xây dựng công trình và thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện, phụ tải. Trường hợp muốn chuyển đổi nhà ở riêng lẻ sang cho thuê hay dùng cho mục đích kinh doanh, người dân nên thuê đơn vị có chuyên môn đến kiểm tra hệ thống điện, tính toán sao cho phù hợp với công suất, mục đích chuyển đổi, nhu cầu sản xuất rồi mới nâng cấp hệ thống đường dây điện, cầu chì, aptomat…
Ban công, cửa thoát hiểm của cơ sở kinh doanh nhà trọ “hộp ngủ” đều bị bịt kín bởi “chuồng cọp”. |
Về vấn đề tự ý lắp đặt “chuồng cọp”, Vụ trưởng Vũ Ngọc Anh cho biết: Mặc dù Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và cơ quan chuyên môn đã đưa ra hướng dẫn về việc không làm “chuồng cọp” quây kín ban công, tum thang. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều công trình nhà ở mặt phố, nhà ở riêng lẻ chưa tuân thủ triệt để. Vì vậy, đối với những trường hợp nhà ở phải làm “chuồng cọp” thì phải mở lỗ thoát nạn khẩn cấp, bố trí các thang tụt, thang dây, lối thoát sang ban công mái nhà liền kề. Tránh trường hợp có lối thoát ra ban công nhưng không tiếp cận được vùng an toàn.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nhà ở riêng lẻ - yêu cầu chung về thiết kế do các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng biên soạn. Tiêu chuẩn này áp dụng cụ thể cho đối tượng là nhà ở riêng lẻ và nhà ở riêng lẻ kết hợp với mục đích kinh doanh có quy mô dưới 7 tầng (hoặc có chiều cao phòng cháy chữa cháy dưới 25m, hoặc có khối tích nhỏ hơn 5000m3).
Đối với nhà ở riêng lẻ hiện hữu, chưa thể khắc phục triệt để các vấn đề về an toàn cháy, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình thực tiễn đã biên soạn “Tài liệu tham khảo Hướng dẫn nâng cao an toàn cháy đối với công trình hiện hữu, cung cấp một số giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao an toàn cháy và giải pháp thoát nạn cho người khi có sự cố cháy”.
Phạm Nguyên
Theo