(Xây dựng) – Nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, làm nhiều dự án thoát nước quy mô lớn. Trong đó, điển hình là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng gồm: Dự án thoát nước Hà Nội, dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông) và dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc. Tuy nhiên, tình trạng “Hà Nội cứ mưa là ngập” vẫn diễn ra khiến người dân vô cùng ngán ngẩm, bức xúc.
Trận mưa chiều tối 11/5 khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị ngập úng (ảnh: Tùng DS) |
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện trên địa bàn còn tồn đọng 11 trọng điểm ngập úng gồm phố Hoa Bằng, Minh Khai, Nguyễn Khuyến, ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Thụy Khuê (dốc La Pho), Cao Bá Quát, Vũ Trọng Phụng, Đại lộ Thăng Long, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành Hà Nội có diện tích khoảng 300km2. Tuy nhiên, hiện mới có hệ thống thoát nước lưu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, với diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân) được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, có thể giải quyết tiêu thoát nước khi xảy ra những trận mưa có cường độ 300mm/2 ngày. Khu vực còn lại, chủ yếu thoát nước bằng tự tiêu, tự chảy...
Người dân Hà Nội đã quá quen thuộc với điệp khúc “mưa là ngập” (ảnh: Tùng DS) |
Điều này khiến cho sau những trận mưa lớn, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại ngập nặng, giao thông ách tắc, các phương tiện tham gia giao thông di chuyển hết sức khó khăn, nhiều xe bị chết máy giữa đường. Thậm chí, tại một số nơi, người dân phải sinh hoạt cùng nước bẩn trong suốt nhiều ngày sau mưa lớn.
Lý giải về tình trạng trên, TS.KTS Phạm Anh Tuấn – Trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan (Đại học Xây dựng) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng ở các đô thị lớn, điển hình như tại Hà Nội. Từ hàng chục năm nay, hàng trăm ao, hồ, vùng trũng, kênh trong nội đô bị san lấp để chuyển đổi đất cho mục đích xây dựng. Ngoài ra, các hồ bị thu hẹp diện tích hoặc kè cứng, khiến chúng không còn khả năng điều hòa. Khi mưa xuống, lượng nước không được tích trữ “tạm” trong các ao, hồ, vùng trũng. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo cả đô thị bị “bê tông hóa”, các vật liệu xây dựng không thấm nước, dẫn đến nước mưa không thể thấm được vào lòng đất, tăng tốc độ và lưu lượng chảy bề mặt. Kèm theo đó là thời tiết thay đổi cực đoan do biến đổi khí hậu, những cơn mưa lớn kéo dài, vượt ngưỡng chịu tải của thành phố.
Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng tại khu vực Yên Sở là điểm tập trung, thu giữ nước của thành phố. Tuy nhiên, khi tất cả lượng nước bị tập trung tại một điểm, trong quá trình di chuyển từ đầu này đến đầu kia thành phố vừa với khoảng cách xa và vừa bị cản trở bởi hệ thống giao thông và công trình kiến trúc sẽ dẫn đến hiện tượng ngập úng trong nội đô là tất yếu.
Vì vậy, để “giải bài toán” ngập úng, Hà Nội cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ nâng cao công tác quản lý cho đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Đặc biệt, tập trung phát triển theo hướng giải quyết hạ tầng cảnh quan, bền vững thay vì giải pháp hạ tầng kỹ thuật – bê tông hóa.
Quan trọng nhất là bảo vệ nghiêm ngặt diện tích mặt nước hiện có, không xâm lấn các ao, hồ tại nội đô, nạo vét và khơi thông các dòng chảy của các dòng sông nôi đô để tăng năng lực thoát nước, đồng thời xây dựng thêm nhiều hồ điều hòa – phân tán ở trên toàn khu vực để tăng diện tích chứa nước. Ngoài ra, về lâu dài có thể học hỏi thêm kinh nghiệm của một số quốc gia để phát triển hệ thống bể hầm chứa nước. Đáng chú ý, ứng dụng các giải pháp hạ tầng sinh thái vì hạt tầng cứng bằng bê tông, hạn chế bê tông hóa bề mặt, thay thế dần diện tích đã bê tông hóa bằng các vật liệu xây dựng có khả năng thấm nước. Đặc biệt xây dựng các không gian đa chức năng từ những khoảng trống trong đô thị và tận dụng các quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp trong nội thành để phát triển các công viên vườn hoa, giải pháp này vừa tăng diện tích không gian xanh vốn đã vô cùng thiếu trong nội đô và vừa góp phần giảm áp lực cho hệ thống thoát nước toàn thành phố.
Đề xuất một số giải pháp để hạn chế ngập úng tại nội đô Hà Nội, ông Ngô Trung Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam chia sẻ: Có thể thấy, năng lực hệ thống thoát nước của Hà Nội đã xuống cấp, lạc hậu và bị ùn ứ bùn đất, do đó khi mưa xuống, dòng chảy thoát nước bị chậm lại nên một vài khu vực bị ngập úng. Vì vậy cần tiến hành cải tạo, nạo vét cơ bản nhiều đường ống thoát nước thì các tuyến phố sẽ rút nước rất nhanh.
Đặc biệt, do Hà Nội có thêm nhiều khu đô thị mới, nên cần kết nối các hệ thống thoát nước đồng bộ giữa khu đô thị mới với hệ thống thoát nước cũ để tránh ngập úng cục bộ tại những nút giao quan trọng. Ở các khu đô thị, chủ đầu tư có thể xây dựng hồ điều hòa kết hợp công viên cây xanh, vừa làm không gian sinh hoạt chung vừa có tác dụng điều tiết khí hậu.
Tuy nhiên, về lâu dài, cần nghiên cứu phát triển một số dự án chiến lược mới, táo bạo kết hợp với hệ thống giao thông như làm đường ngầm để xả nước. Ở các quốc gia phát triển, để chống ngập lụt, họ sử dụng các vật liệu xây dựng nhằm tăng hệ số thấm đô thị như bê tông xốp, nhựa xốp thấm nước mưa, trồng thêm nhiều cây xanh. Tại các nhà chung cư, nhà cao tầng, có thể làm mái giữ nước tái sử dụng hoặc bể ngầm chứa nước mưa. Hệ thống thu gom – lọc, lưu trữ nước mưa sạch được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong việc phát triển đô thị bền vững.
Sở Xây dựng Hà Nội thông tin: Để bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa năm nay, Sở đã chỉ đạo các đơn vị duy trì thoát nước kiểm tra, sửa chữa công trình đầu mối, trạm bơm thoát nước; duy tu, duy trì 99 hồ điều hòa; nạo vét 110km cống ngầm bằng dây chuyền cơ giới; nạo vét 48.847m3 bùn trên hệ thống mương, sông, hồ...
Thanh Thanh
Theo