(Xây dựng) - Được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2021 đến nay, không gian dưới chân Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã trở thành những bãi xe bất đắc dĩ, lấn chiếm diện tích vỉa hè.
Bắt đầu từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông), vỉa hè quanh lối lên xuống nhà ga bị chiếm dụng trở thành nơi để xe ô tô. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, dọc tuyến đường bên dưới tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tồn tại tình trạng xe cộ đỗ la liệt dưới gầm các lối lên xuống của mỗi nhà ga. Nhiều vị trí còn bị chiếm dụng thành bãi giữ xe tự phát và ngang nhiên thu phí gửi xe.
Được biết, tại thời điểm quy hoạch, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông không còn mặt bằng để xây dựng các điểm trông giữ xe, chỉ có ga Cát Linh đầu tuyến và ga Yên Nghĩa cuối tuyến được bố trí bãi đỗ xe tạm cho người dân sử dụng dịch vụ.
Cung không đủ cầu dẫn đến tình trạng những bãi xe tự phát “mọc” tràn lan tại các điểm ga, thu phí cao mà không đảm bảo an toàn cho tài sản của người dân. Đối với những điểm ga ít hành khách, một số người ngang nhiên để xe bừa bãi dưới chân cầu, thậm chí khóa xe vào lan can cầu thang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ những ngày đầu khai thác, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phát miễn phí hàng nghìn “Sổ tay hướng dẫn đi tàu” cho hành khách. Mỗi sổ tay này có danh sách 12 điểm trông giữ xe cho hành khách, tương đương với 12 nhà ga dọc tuyến.
Thực tế, đa số điểm gửi xe được gợi ý trong sổ tay lại không nhận trông giữ xe, điển hình như điểm Cây xăng Văn Khê (ga Văn Khê), trường THCS Văn Khê, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam (ga Phùng Khoang), 220 đường Láng (ga Láng)…
Tại ga Văn Khê, khoảng không gian dưới chân ga là nơi dừng đỗ của xe ô tô, xe chở hàng…
Biển cấm từ UBND phường Phú La được dựng để nghiêm cấm các hành vi chiếm dụng vỉa hè kinh doanh nhưng không được quan tâm.
“Ở đây không thiếu chỗ gửi đâu. Nhưng giá gửi xe sẽ cao hơn và có nhiều rủi ro”, anh Long, một khách đi tàu từ ga Hà Đông chia sẻ.
Theo anh Long, những bãi gửi xe hợp pháp đều cách khá xa điểm ga, vì vậy nhiều người lựa chọn đặt niềm tin vào các bãi xe tự phát này. Vào mùa hè nắng nóng, các bãi xe tự phát không được trang bị bình cứu hỏa, làm tăng nguy cơ cháy nổ tài sản của người dân.
Khu vực xung quanh chân tàu đều biến thành điểm trông giữ xe, chật ních phương tiện. Giá vé gửi tại các bãi xe này thường cao gấp đôi, thậm chí gấp ba lần các bãi xe hợp pháp, dao động từ 10.000 – 30.000 đồng.
Tình trạng này đã xuất hiện khoảng 3 năm nay, từ khi tuyến đường sắt mới đi vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Với những điểm ga ít người sử dụng, mặc dù không thấy bóng dáng của các bãi xe trái phép nhưng lại trở thành nơi bị người dân tự ý chiếm dụng thành chỗ để xe.
Ga Cát Linh là điểm ga duy nhất có bãi trông giữ xe hợp pháp của UBND quận Đống Đa, được điều hành bởi Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ khai thác ô tô Ngọc Quang.
Đây là bãi xe theo mô hình thu phí tự động VETC không dùng tiền mặt, mang đến sự thuận tiện cho người dân.
Mỗi vé xe sẽ được in mã QR thanh toán chuyển khoản trên ứng dụng ngân hàng. Giá vé niêm yết cho xe máy là 4.909 đồng/lượt. Khách gửi xe sẽ thực hiện thanh toán online trước khi lấy xe ra khỏi điểm trông giữ.
Chị Hòa, hành khách đi tàu từ ga Cát Linh chia sẻ: “Hình thức gửi xe này khá tiện lợi cho hành khách. Tôi thường chụp lại vé xe rồi thanh toán online, không còn phải lo mất vé nữa”.
Tiện lợi là vậy, nhưng theo chị Hòa, bãi xe này được bố trí trải dọc vỉa hè trước ga Cát Linh, chiếm hết phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Đây cũng là đoạn đường nhiều xe ô tô lớn lưu thông trong khung giờ cao điểm, vì vậy sẽ rất nguy hiểm cho người đi bộ nếu phải di chuyển dưới lòng đường.
Hà Trần
Theo