(Xây dựng) – Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp bị bỏ không hàng thập kỷ qua sẽ được chuyển đổi thành nhà ở xã hội cho thuê trong thời gian tới, theo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tại cuộc họp mới đây về tình hình 5 dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng.
Dự án này bao gồm 6 hạng mục tòa nhà cao tầng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên học tập, nghiên cứu. |
Nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), bên cạnh đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dự án khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp được khởi công từ năm 2009, xây dựng trên diện tích 40.000m2. Tổng chi phí đầu tư của dự án là 1.900 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Sau 15 năm, hiện chỉ có khối nhà A5, A6 được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Các khối nhà A2, A3 mới xây xong phần thô, nhà A4 chưa xây dựng do chưa giải phóng mặt bằng. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ một phần rất nhỏ của khu nhà này được đưa vào sử dụng, phần lớn các công trình đều đã hoàn thành phần thô nhưng bị bỏ hoang, không tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Không chỉ thế, khuôn viên xung quanh khu nhà nếu không bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe thì cũng ngập tràn rác thải, phế liệu, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự cũng như đời sống của các hộ dân quanh đây.
Do bị bỏ hoang trong thời gian dài, công trình đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, ngập rác thải. |
Tại cuộc họp mới đây về việc tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, dự án này sẽ được cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) trên cơ sở cải tạo, nâng cấp nhà A2, A3 (đã xây dựng phần thô) của dự án khu nhà ở cho học sinh, sinh viên tại Khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng dự án này từ nhà ở cho học sinh, sinh viên thành nhà ở xã hội cho thuê được cho là giải pháp thiết thực, góp phần giải quyết hiệu quả nhu cầu về chỗ ở ngày càng tăng cao trên địa bàn Thủ đô. Theo ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, việc chuyển đổi các tòa nhà này thành NƠXH là cần thiết, sẽ giúp tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường. Do hiện nay, nhu cầu mua, thuê NƠXH ở Hà Nội rất lớn.
Bên cạnh đó, khu vực này có mật độ dân cư đông đúc, vị trí gần đường Vành đai 3 và nhiều bệnh viện lớn. Vì thế, chúng ta cần tận dụng những ưu thế này để phát triển thành NƠXH cho người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng gặp nhiều khó khăn do các rào cản pháp lý và thủ tục phức tạp. Bởi vậy, cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể như đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích và xác định mức giá phù hợp để thu hút người dân tham gia.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi công năng trên cơ sở cải tạo công trình hiện có cũng sẽ cần nhiều giải pháp linh hoạt. Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, ký túc xá sinh viên thường được thiết kế như một nơi lưu trú tạm thời, với tiện ích vừa đủ cho việc học tập, sinh hoạt cơ bản song vẫn đảm bảo an toàn. Trong khi đó, một căn hộ gia đình cần có nhiều hơn các thiết bị, tiện nghi như vách ngăn giữa các phòng, bố trí bếp nấu, các thiết bị gia đình, hệ thống phòng cháy chữa cháy…
Hà Nội dự kiến chuyển đổi khu nhà ở cho học sinh, sinh viên này thành NƠXH cho thuê được xem như một tin vui, thổi làn gió mát vào thị trường bất động sản Thủ đô khi nguồn cung khan hiếm hơn bao giờ hết. Rất mong các công trình sớm được đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, cung cấp nơi ở tốt cho người dân.
Phạm Nguyên
Theo