(Xây dựng) – UBND huyện Đan Phượng đang phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất toàn cầu, lập đề án thí điểm xây dựng khu tiếp nhận và xử lý chất thải rắn xây dựng đầu tiên của huyện thành vật liệu tái chế.
Huyện Đan Phương sắp có khu tập kết và xử lý chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ mới để tái chế, tái sử dụng phế thải làm cát san lấp, cát xây dựng hay nguyên liệu sản xuất gạch block. |
Tạm dừng dự án chôn lấp chất thải rắn xây dựng
Quyết định số 5515/QĐ-UBND ngày 20/10/2015 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng huyện Đan Phượng đến năm 2030 nêu rõ, trên địa bàn huyện được quy hoạch một điểm tập kết (chất thải rắn xây dựng với diện tích khoảng 9,37ha tại xã Trung Châu.
Trước đó, tháng 5/2013, Sở Xây dựng Hà Nội ban hành Quyết định số 3298/QĐ-SXD phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng bãi phế thải xây dựng ở huyện Đan Phượng với tổng mức đầu tư 40,364 tỷ đồng, diện tích quy hoạch 9,37ha.
Tiếp đó, Sở phê duyệt kế hoạch đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình. Ngày 31/7/2013, UBND huyện Đan Phượng ban hành Quyết định số 3623/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Nhưng sau đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã Quyết định tạm dừng dự án để xem xét lại phương pháp xử lý, vận hành điểm xử lý chất thải rắn xây dựng phù hợp với tình hình thực tế của huyện Đan Phượng và công nghệ xử lý mới hiện nay. Thực tế, phương pháp chôn lấp không còn phù hợp với các quy định mới về quản lý chất thải rắn xây dựng của Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng, gây lãng phí tài nguyên, tốn kém quỹ đất và kinh phí để vận chuyển phế thải xa thành phố.
Chưa kể, dự án chưa được bố trí vốn để giải phóng mặt bằng và triển khai các gói thầu, trong khi thời gian thực hiện dự án theo Quyết định đầu tư số 3298/QĐ-SXD ngày 22/5/2013 của Sở Xây dựng Hà Nội đã hết hạn.
Trước tình hình này, UBND huyện Đan Phượng đã nhận Công văn số 63/TC-UBĐP ngày 16/11/2020 của Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất toàn cầu về việc xin lập địa điểm tiếp nhận, xử lý chất thải rắn xây dựng thành vật liệu tái chế bằng công nghệ mới.
Dự kiến, khu xử lý có diện tích từ 3 – 10ha với tổng mức đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Cơ sở này bao gồm các hạng mục như khu tập kết chất thải rắn xây dựng trước khi phân loại, khu tập kết chất thải rắn xây dựng sau phân loại, khu tập kết sau khi nghiền xử lý, khu tập kết trang thiết bị máy móc, kho xưởng sản xuất vật liệu tái chế, khu vực quản lý điều hành, đường giao thông, cổng, hàng rào, cây xanh...
Xử lý chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ mới
Sau khi tiếp nhận Công văn của Công ty toàn cầu, UBND huyện Đan Phượng đã có Công văn số 2157/UBND–QLĐT gửi Sở Xây dựng Hà Nội để xin ý kiến về việc quy hoạch và xây dựng dự án: Tiếp nhận, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng tại xã Trung Châu.
Ngày 13/1/2021, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức cuộc họp liên ngành về việc chấm dứt dự án bãi chôn lấp không còn phù hợp tại Đan Phượng, đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư là Công ty toàn cầu lập đề án thí điểm tiếp nhận, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng trên địa bàn huyện bằng công nghệ mới.
Quyết định này phù hợp với chủ trương của UBND Hà Nội về việc “xã hội hóa” công tác xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng, kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian qua, Hà Nội xuất hiện nhiều dự án thí điểm hệ thống nghiền, tái chế chất thải rắn xây dựng, nghiên cứu tái sử dụng làm vật liệu san nền, lớp lót nâng cao độ nền trong công trình giao thông, phục vụ tại các công trình. Do đó, đề xuất của Công ty toàn cầu hoàn toàn phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của huyện Đan Phượng.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng cho biết: “Công ty toàn cầu là đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực tiếp nhận, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng. Hiện nay, công ty đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng thành vật liệu tái chế của châu Âu đạt tiêu chuẩn môi trường Euro 6”.
“Chúng tôi đã trực tiếp mục sở thị công nghệ xử lý chất thải rắn của Công ty toàn cầu và đánh giá cao cách làm mới của họ. Công nghệ này cho phép nghiền toàn bộ chất thải rắn xây dựng để tái chế làm cát san lấp, cát xây dựng hay nguyên liệu sản xuất gạch block”.
“Sau đó, Sở Xây dựng Thành phố Hà Nội đã hướng dẫn Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng kêu gọi xã hội hóa để thực hiện dự án. Phòng cũng đã làm việc với UBND xã Trung Châu và Công ty toàn cầu để di chuyển địa điểm thực hiện dự án xa khu dân cư, trường học. Hiện nay, toàn bộ khu vực quy hoạch mới đều là đất công nên rất thuận lợi đối với công tác giải phóng mặt bằng”.
Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng đang phối hợp với Công ty toàn cầu lập quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 để trình xin ý kiến của các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Tài chính Thành phố Hà Nội.
Thông tin huyện Đan Phượng sắp có khu xử lý chất thải rắn xây dựng đầu tiên khiến người dân địa phương rất phấn khởi. Anh Nguyễn Trọng C, một người dân xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng cho biết: “Là một người đang xây nhà, tôi đã mong chờ sự ra đời của cơ sở thu gom và xử lý chất thải rắn xây dựng. Nếu có những khu xử lý như thế này, chúng tôi sẽ không phải mất công tìm kiếm địa điểm chôn lấp phế thải xây dựng và nhiều khi còn phải đổ trộm phế thải ra đường vì không tìm được nơi chôn lấp”.
Hữu Mạnh
Theo