(Xây dựng) – Sau nhiều đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại Hà Nội phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trên những con “phố vàng” của Hà Nội nhiều hộ kinh doanh đã phải trả mặt bằng cửa hàng. Một số chủ nhà đã giảm giá đến 50% so với trước dịch nhưng cũng khó tìm được khách thuê.
Dịch Covid kéo dài khiến các đơn vị kinh doanh tại Hà Nội thiệt hại nặng nề, nhiều cửa hàng treo biển trả mặt bằng để cắt lỗ
Cửa hàng thời trang đã treo biển sang nhượng tại tuyến phố Lê Lợi – Hà Đông. Tại khu vực vốn được coi là sầm uất này, thường sẽ không còn mặt bằng để thuê kinh doanh. Tuy nhiên đến nay, dù đã treo biển thanh lý 30% đến 50% vẫn “cửa đóng, then cài” do dịch bệnh.
Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa trong kinh doanh tại các trung tâm thương mại, khu phố lớn như Tây Sơn, Bà Triệu, Chùa Bộc,… khó tìm được mặt bằng thì nay liên tục cửa đóng, treo biển cho thuê, trả mặt bằng.
Trong những ngày giãn cách xã hội, người dân ra ngoài thưa thớt, khung cảnh kinh doanh đìu hiu giữa lòng Hà Nội. Một số cửa hàng đã dỡ biển và đăng cho thuê mặt bằng.
Dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch cũng không thiếu những cửa hàng treo biển sang nhượng.
Tuyến phố Xã Đàn vốn được biết đến là khu vực mặt tiền có giá thuê đắt đỏ, nên việc tìm được khách hàng thuê tiếp theo cũng không dễ dàng. Việc trả mặt bằng, đóng cửa hàng hay sang nhượng cửa hàng đều đã ảnh hưởng trực tiếp đến cả hai đối tượng người cho thuê và người được thuê.
Ngoài những chủ kinh doanh thì các chủ nhà cũng đối mặt với tình trạng không mấy khả quan.
Hình ảnh ghi nhận tại tuyến đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, trung bình mặt bằng kinh doanh tại khu vực giá 30 - 50 triệu đồng, có mặt bằng là tranh nhau thuê. Hiện tại, giá thuê đã giảm gần 50% vẫn khó tìm được khách.
Tuyến phố Nguyễn Lương Bằng – Tây Sơn trở nên ảm đạm khi các cửa hàng phải đóng cửa, biển cho thuê được chủ nhà treo lên khắp dãy phố.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Hà Anh, một chủ shop thời trang trên phố Lê Hồng Phong tâm sự: “Việc kinh doanh của chúng tôi hiện tại rất khó khăn, đợt dịch nào bùng lên cũng phải đóng cửa vì đây là mặt hàng không thiết yếu. Trong những đợt dịch đầu, tôi còn cầm cự, duy trì dù bù lỗ tiền tiền thuê mặt bằng, nhưng đến nay có lẽ đã cố hết sức so với khả năng. Ngoài việc thanh lý, sang nhượng thì chúng tôi không còn phương án khác để bù được số vốn ban đầu đã bỏ ra cho cửa hàng ”.
Thảo Phương
Theo