(Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2024. Trong đó, năm 2024, Hà Nội dự kiến khởi công xây mới 36 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ.
Hà Nội dự kiến khởi công xây mới 36 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ trong năm 2024. |
Theo kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND Thành phố; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng... theo các quy định hiện hành. Bên cạnh đó, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn Thành phố.
Việc đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động đảm bảo hiệu quả theo đúng các tiêu chí, bảo đảm phát huy đầy đủ công năng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các chợ, văn minh thương mại, 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn vệ sinh theo quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự. Năm 2024, Hà Nội dự kiến khởi công xây mới 36 chợ; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ.
UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tập trung rà soát kỹ từng vụ việc khiếu kiện, làm rõ nguyên nhân, giải quyết dứt điểm các vụ việc có tụ tập đông người, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài liên quan đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ, trong đó tập trung giải quyết các vụ việc chưa giải quyết xong.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự... đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai các thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai các chủ trương, chính sách đối với việc phát triển, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn.
Rà soát, bổ sung các chợ trên địa bàn các quận, huyện, thị xã bảo đảm đủ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất tổ chức đấu thầu theo quy định đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu kinh doanh mua bán của nhân dân, hạn chế sự phát triển các tụ điểm họp chợ trái phép trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn các chợ chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác chợ có đủ điều kiện, phương án giá dịch vụ chợ cho phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Đơn vị quản lý chợ, chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng các công trình trong chợ, xây dựng lại chợ.
Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng, UBND các cấp huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố một cách tổng thể, đồng bộ cả ở nội thành và ngoại thành. UBND các quận, huyện, thị xã rà soát lại quỹ đất để bố trí các địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giải tỏa các tụ điểm kinh doanh tự phát trái quy định trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn có chợ được đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo làm đầu mối giải quyết các khó khăn, vướng mắc, họp các hộ kinh doanh tại chợ tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận (trước, trong và sau đầu tư); không để xảy ra khiếu kiện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên (đơn vị quản lý, đầu tư và bà con tiểu thương) tại chợ đối với các chợ đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa...
Huy Trung
Theo