(Xây dựng) – Ngập úng đô thị, ảnh hưởng từ những trận mưa cường độ lớn đã và đang tác động xấu đến cuộc sống của người dân tại Thủ đô. Do đó, cần có những giải pháp mang tính hiệu quả cao để giải quyết triệt để vấn đề này.
Cơn mưa lớn ngày 29/5 vừa qua gây ngập úng nặng trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. |
Hà Nội cứ mưa là ngập
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tục hứng chịu những trận mưa dông với cường độ lớn, kéo dài suốt nhiều giờ. Một số nơi tiêu biểu như lưu vực sông Tô Lịch, sông Nhuệ và khu vực Long Biên đã xảy ra ngập úng cục bộ, có nơi ngập sâu khiến giao thông ngưng trệ. Nước mưa dâng cao làm nhiều xe chết máy giữa đường gây ùn tắc giao thông, kèm theo đó là tràn vào nhà dân khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Nguyên nhân chính khiến cho Hà Nội cứ gặp mưa lớn là ngập úng được xác định là do quy hoạch của Hà Nội còn thiếu đồng bộ, diện tích công cộng của công viên cây xanh, ao hồ, diện tích mặt nước giảm; tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến bê tông hóa mạnh, hồ điều hòa có chức năng tiêu thoát nước bị thu hẹp.
Về vấn đề quy hoạch, hiện nay Hà Nội có nhiều quy hoạch khác nhau, thực hiện quy hoạch riêng lẻ. Thành phố xây dựng các công trình đô thị, nhà ở, nhưng không đi kèm với hệ thống thoát nước phù hợp, quy hoạch rời rạc và chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Sự thiếu sót trong công tác quy hoạch, chỉ tập trung phát triển đô thị mà không chú trọng quy hoạch cấp thoát nước đã khiến tình hình úng ngập diễn ra trong thời gian dài mà vẫn chưa được cải thiện.
Bên cạnh đó, diện tích mặt nước tại Thủ đô đang ngày càng bị thu hẹp dưới tác động tốc độ đô thị hóa nhanh. Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong giai đoạn 2015 - 2020 diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm 203,63ha. Nhiều ao hồ đã bị san lấp để làm quỹ đất phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, xây cao ốc hoặc những công trình phúc lợi khác. Việc san lấp ao hồ đã khiến cho khả năng thẩm thấu, chứa nước tự nhiên của Hà Nội bị ảnh hưởng, khó tiêu thoát nước tại nhiều khu vực gây ra ngập lụt khi mưa lớn.
Mặt khác, diện tích cây xanh, hồ điều hòa đang bị suy giảm mạnh, tốc độ bê tông hóa diễn ra rất nhanh với nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng mới. Hiện nay, không ít các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây dựng dự án để bán, chưa thực sự chú trọng đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, không gian công cộng cho từng khu vực. Điển hình như khu vực nội thành, các không gian xanh như công viên, hồ điều hòa có số lượng rất ít ỏi. Đây còn là nơi có địa hình thấp, có nhiều chỗ trũng. Chính điều này đã khiến cho khu vực nội thành dễ bị ngập úng nặng nề hơn so với khu vực ngoại thành khi nước mưa không thể thấm xuống đất, tập trung về những nơi trũng gây ra những điểm ngập úng lớn.
Đặc biệt, hệ thống tiêu thoát nước của Thủ đô còn thiếu đồng bộ, nhiều trạm bơm đã có dấu hiệu xuống cấp, khả năng tiêu thoát nước hạn chế. Khi xuất hiện mưa cường độ cao và kéo dài, các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất khiến cho công tác xử lý các điểm ngập úng diễn ra rất chậm. Trong khi đó, các dự án tiêu thoát nước mới của Thủ đô vẫn còn đang trong quá trình thực hiện hoặc chậm tiến độ đã đề ra.
Theo thống kê, hệ thống thoát nước mới chỉ được thực hiện với khu vực gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu (8 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ). Còn lại các khu vực khác như sông Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Việc xây dựng trạm bơm, hệ thống tiêu thoát quá chậm mà tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa diễn ra quá nhanh đã gây ra tình trạng hệ thống thoát nước cũ dù được cải tạo, nâng cấp vẫn không đáp ứng kịp khiến nhiều khu vực ở Hà Nội tiếp tục chìm trong biển nước mỗi khi mưa lớn.
Nhanh chóng đề xuất các giải pháp
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định, thời tiết hiện nay có biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ hoặc tại châu Âu, hiện tượng bất thường tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được.
Với Hà Nội, thứ nhất cần tăng cường công tác dự báo. Thứ hai cần có dự án tổng thể đánh giá một cách căn cơ, đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết. Thứ ba là cần nghiên cứu một cách kỹ càng khi thiết kế đô thị, để tạo ra hệ thống thoát nước, đảm đương được huyết mạch của đô thị; phải xây dựng được các đô thị có khả năng chống chịu một cách thông minh.
Đồng thời, Hà Nội cần có dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch, tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như hệ thống chứa nước tạm thời.
Vừa qua, tại cuộc họp hội nghị giao ban công tác thường kỳ tháng 6/2022 của Thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cũng đã có đề xuất để giải quyết tình trạng úng ngập khu vực nội thành và một số khu vực khi mưa lớn.
Theo đó, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị thoát nước, các công ty thủy lợi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài như: đầu tư các trạm bơm tiêu thoát nước đô thị; các hầm chứa nước tại các khu vực trũng thấp để giảm úng ngập cục bộ; đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, lưu vực Bắc sông Hồng…
Trước mắt, cần nghiên cứu xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước đô thị trên đường gom Đại lộ Thăng Long và giải pháp giải quyết các điểm trũng cục bộ tại các hầm chui dân sinh.
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực Ngã 5 Bát Đàn - Đường Thành, như đã làm tương tự bể điều tiết ngầm phố Nguyễn Khuyến, trước cửa Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt.
Về vấn đề hệ thống tiêu thoát nước, theo ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, giải pháp trước mắt hiện nay đó là công ty đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm trên hệ thống để chủ động đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập khi dự báo thời tiết có mưa, nhất là đề phòng những trận mưa lớn.
Đặc biệt, để tránh tình trạng ngập úng kéo dài, công ty đã và đang triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý và vận hành các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông I, Cổ Nhuế, Đồng Bông II… để hạ mức nước trên hệ thống, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước và sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo.
Còn về lâu dài, theo các chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch, Thành phố Hà Nội cần sớm giải quyết những mâu thuẫn trong công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch cấp thoát nước, có sự điều chỉnh đối với các vấn đề bất cập kịp thời. Hà Nội phải xác định quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở, tiêu thoát nước được tiến hành tích hợp đồng thời, đồng bộ. Chỉ có như vậy mới không còn tình trạng vướng hay phá vỡ quy hoạch, tránh được ùn tắc giao thông, ngập lụt xảy ra ở đô thị.
Hà Nội cần giải quyết triệt để vấn đề ngập lụt trong đô thị. |
Đồng thời, thành phố nên xem xét phát triển không gian ngầm để giảm bớt gánh nặng cho hạ tầng nổi. Không gian ngầm ở đây dùng để chứa nước mưa cho thành phố khi mưa lớn. Sau khi nước mưa được đưa xuống không gian ngầm theo quy hoạch sẽ có thể được sử dụng triệt để vào nhiều mục đích khác nhau, góp phần giảm chi phí tiết kiệm ngân sách Nhà nước và hạn chế được úng ngập.
Cũng theo các chuyên gia, việc triển khai thiết kế, bố trí, xây dựng hệ thống thoát nước phải phù hợp. Các thông số thiết kế cũ của hệ thống sẽ không đáp ứng được trước tình hình biến đổi khí hậu, trong khi mưa cực đoan có thể xảy ra ngày càng nhiều. Do đó, cần nâng cao năng lực tiêu thoát bằng cách đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước đang bị đình trệ, nâng cấp hệ thống thoát nước đã có, phù hợp với quy hoạch vùng để sớm giải quyết bài toán ngập úng tại Thủ đô.
Yến Mai
Theo