(Xây dựng) - Nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trong diễn biến thời tiết mưa lũ phức tạp, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có công văn đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có phương án tăng cường bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình cầu vượt sông và phòng tránh chướng ngại vật va trôi.
Từ 8h30 ngày 10/9 Thành phố Hà Nội đã cấm các phương tiện lưu thông qua cầu Chương Dương. |
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, những ngày qua, bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa to ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết và phòng tránh những chướng ngại vật như: Sà lan, tàu thuyền,… trôi dạt tự do trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, sông Công, sông Cầu) va trôi vào các cầu vượt sông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Do đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời phối hợp, thông báo, giải quyết khi xuất hiện các chướng ngại vật trên tuyến.
Trường hợp xuất hiện các chướng ngại vật trên tuyến đường thủy nội địa có nguy cơ đâm, va vào các cầu vượt sông trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thông báo ngay cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội để có phương án bảo đảm an toàn cho các cầu vượt sông và cho người, phương tiện tham gia giao thông qua cầu.
Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì phối hợp, hướng dẫn Sở Giao thông vận tải, chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa tại các cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, đặc biệt là các bến khách ngang sông trên địa bàn Thành phố.
Trước đó, vào chiều 10/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký Công điện số 14/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn Thành phố do ảnh hưởng của bão số 3. Công điện nêu, để đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ ảnh hưởng tác động và đảm bảo an toàn khai thác đối với các công trình cầu trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ các công trình cầu đang khai thác trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý (đặc biệt là các công trình cầu vượt sông, cầu phao, cầu tạm) để kịp thời phát hiện đưa ra biện pháp xử lý ngay đối với các công trình có nguy cơ mất an toàn khai thác.
Căn cứ thực tế hiện trạng công trình, tình hình nước lũ, quyết định việc tạm dừng hoạt động khai thác kịp thời đối với các công trình cầu không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời phối hợp cùng Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố và các lực lượng chức năng phân luồng đảm bảo giao thông, hướng dẫn người dân đi lại được an toàn và thuận lợi.
Theo dõi, giám sát thường xuyên tình hình nước lũ trên các tuyến sông, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến khả năng khai thác các công trình cầu vượt sông để đưa ra các cảnh báo, biện pháp xử lý phù hợp. Trong trường hợp cần thiết dừng hoạt động khai thác để tiến hành sửa chữa, cải tạo hoặc thay mới.
Tổng hợp danh sách các công trình cầu yếu, cầu tạm cần cải tạo, sửa chữa, thay mới (sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ quan trọng) kèm theo nhu cầu về kinh phí gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư, cải tạo, sửa chữa.
Mộc Miên
Theo