(Xây dựng) – Triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (gọi tắt là Đề án 2038) và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành rà soát các định mức xây dựng chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Sở.
Hà Nội tăng cường cơ giới hóa trong lĩnh vực dịch vụ đô thị (ảnh internet). |
Cụ thể, đối với các định mức do Bộ Xây dựng ban hành, phần xây dựng, Sở đã rà soát 1.749 định mức, từ đó đề xuất thống nhất giữ nguyên 1.733 định mức; điều chỉnh 16 định mức; đề xuất không áp dụng trên địa bàn (do định mức không phổ biến hoặc không sử dụng trên địa bàn, không phù hợp với đặc điểm điều kiện tự nhiên của Hà Nội) 140 định mức; đề nghị bổ sung 3 định mức (do các định mức này chưa có trong đơn giá trước đây đã công bố); kiến nghị xây dựng 1.609 đơn giá.
Về định mức phần lắp đặt, Sở Xây dựng đã rà soát 2.920 định mức, từ đó thống nhất giữ nguyên 2.383 định mức, đề xuất không áp dụng trên địa bàn 931 định mức, kiến nghị xây dựng 1.989 đơn giá.
Về định mức phần khảo sát, đã rà soát 253 định mức, từ đó thống nhất giữ nguyên 237 định mức, đề xuất không áp dụng trên địa bàn 16 định mức, kiến nghị xây dựng 237 đơn giá.
Về định mức phần sửa chữa, Hà Nội đã rà soát 769 định mức, thống nhất giữ nguyên 769 định mức, đề xuất xây dựng 769 đơn giá.
Bên cạnh các định mức do Bộ Xây dựng ban hành, thời gian qua, Hà Nội cũng đã ban hành một số định mức đặc thù lĩnh vực dịch vụ công ích và lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Sau khi rà soát, Hà Nội cho rằng 132 định mức đặc thù cho xây dựng các dự án nhà ở học sinh - sinh viên, cầu thép, đường sắt đô thị vẫn phù hợp với điều kiện của địa phương do vậy đề xuất tiếp tục áp dụng.
Riêng với khoảng 190 định mức thuộc 5 lĩnh vực dịch vụ công ích là cây xanh, vườn thú, chiếu sáng, thoát nước và môi trường, Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi quyết định ban hành…
Lý giải về việc Hà Nội ban hành các định mức đặc thù, ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hà Nội là một thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến phát triển hạ tầng, phát triển đô thị.
Các định mức Bộ Xây dựng đã ban hành trước đây, đa số áp dụng chung trong cả nước. Song có một số định mức không phù hợp với tiêu chuẩn phát triển hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội. Chính vì thế, thời gian qua, Hà Nội đã chủ động rà soát lại các định mức cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn về quản lý xây dựng trên toàn thành phố và xây dựng, ban hành một số định mức đặc thù.
Triển khai Đề án 2038, với kinh nghiệm chuyên ngành, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cho thành phố tham gia đổi mới hệ thống định mức và giá xây dựng của Chính phủ, trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến các định mức lĩnh vực hạ tầng khu đô thị, môi trường, cấp thoát nước…, để phục vụ phát triển đô thị.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng cần được thực hiện theo phương pháp đổi mới, huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia xây dựng và phát triển đô thị, rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án xây dựng, dự án phát triển hạ tầng đô thị…
Đơn cử, trước đây, đối với công tác vệ sinh môi trường và cây xanh, Bộ Xây dựng ban hành định mức theo từng công tác riêng. Sau khi rà soát, Hà Nội thấy cần xây dựng định mức bao gồm tất cả các nội dung công tác thực hiện trên cùng 1 tuyến phố. Vì trên cùng 1 tuyến phố có nhiều công tác như vệ sinh môi trường, cắt tỉa cây… nếu thực hiện ghép chung công việc sẽ giúp giảm chi phí cho nhân công làm việc trực tiếp, giảm chi phí quản lý, thúc đẩy tăng cường cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả công việc, chống thất thoát lãng phí trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đô thị.
Hà Nội hiện đã báo cáo Bộ Xây dựng kết quả rà soát, đồng thời đề xuất một số nội dung. Theo đó, một số công tác lĩnh vực dịch vụ đô thị đã đi vào hoạt động ổn định và được thực hiện thường xuyên do vậy không cần ban hành định mức đặc nữa mà xây dựng thành định mức chung.
Đối với Đề án 2038, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội nhận định: Hệ thống định mức, giá xây dựng khi được xây dựng hoàn thiện sẽ giúp giảm được chi phí, tạo hiệu quả lớn trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Do vậy, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới đáp ứng yêu cầu và thực tiễn hiện nay, đặc biệt trong các công tác cần huy động nguồn lực xã hội hóa.
Bộ Xây dựng cũng cần ban hành các hướng dẫn chuyển tiếp khi thực hiện rà soát hệ thống định mức, giá xây dựng để đảm bảo việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được đồng bộ và không ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Quý Anh
Theo