(Xây dựng) – Từ năm 2014 đến nay, Thành phố Hà Nội đã 5 lần phát động chiến dịch “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn, các kế hoạch trên đã nhanh chóng rơi vào cảnh “đâu lại đóng đấy”.
Những điểm nóng của chiến dịch giành lại vỉa hè Hà Nội tập trung chủ yếu ở 12 quận nội thành. |
Với 4 lần triển khai trước đó, vỉa hè Thủ đô đều có những bước tiến nhất định, gọn gàng, phong quang hơn rất nhiều. Nhưng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi nhanh chóng “đâu lại đóng đấy”. Vì vậy, cuộc chiến “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ” được Thành phố Hà Nội triển khai thực hiện trên diện rộng cho đến nay vẫn chưa đạt kết quả như ý muốn.
So với những gì đang diễn ra, lần triển khai thứ 5 này nhận được rất nhiều kỳ vọng đông đảo của người dân Thủ đô bởi, so với các kế hoạch trước, Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội triển khai trong năm 2023 đã nêu rõ thời gian, giai đoạn, nhiệm vụ cụ thể để các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tập trung thực hiện. Đặc biệt, khác với những kế hoạch trước, kế hoạch triển khai năm 2023 đã quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tập thể nếu vi phạm tồn tại quá lâu hoặc không được xử lý kịp thời.
Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 ngày 15/02/2023 của Ban Chỉ đạo 197 về Kế hoạch ra quân tổng kiểm tra, xử lý và giải quyết vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội với mục đích triển khai quyết liệt các biện pháp, giải pháp tạo ra sự chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn giao thông, hè phố, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố, nhất là 12 quận nội thành. Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia phát hiện, phản ánh, cung cấp thông tin các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, các vi phạm về lấn chiếm hè phố để kinh doanh, buôn bán; tập kết vật tư, vật liệu xây dựng, đặt biển quảng cáo băng rôn sai quy định…
Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Công an Thành phố (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 197) chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính; Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện việc trực tiếp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự công cộng, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Thời gian triển khai Kế hoạch từ ngày 01/03/2023 đến ngày 01/11/2023, phạm vi tổ chức kiểm tra trên toàn địa bàn Thành phố qua hình thức kiểm tra đột xuất.
Lực lượng chức năng triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn 12 quận nội thành. |
Ngay từ thời điểm tháng 03/2023, Thành phố Hà Nội ra quân triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197, tình hình an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố, nhất là 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố phục vụ kinh doanh, buôn bán, các điểm trông giữ phương tiện đã từng bước giảm dần. Nhờ đó, bộ mặt đô thị được chỉnh chu hơn, trật tự đô thị từng bước đi vào nề nếp, các bục bệ, mái che, mái vảy vi phạm hành lang giao thông cơ bản đã gọn gàng đúng quy định. Tuy nhiên, sau 5 tháng triển khai, đến thời điểm hiện nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè phục vụ lợi ích riêng lại tái diễn.
Tại phố Hàng Mã, mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch vỉa hè trên tuyến phố này bỗng dưng biến mất, thay vào đó là đèn lồng và đồ chơi bày bán tràn lan. |
Hè phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đang bị tái lấn chiếm nghiêm trọng không còn chỗ cho người đi bộ. |
Tại phố Hàng Chiếu “trên vỉa hè có xe, lòng đường có rác” một khung cảnh không ai nghĩ đây lại là hình ảnh của Thủ đô Hà Nội. |
Phường Hàng Bồ: “Dưới lòng đường xe cộ lấn chiếm, vỉa hè la liệt bàn ghế”, khách du lịch không còn cách nào khác là di chuyển dưới lòng đường. |
Bãi trông giữ xe phục vụ kinh doanh nhà hàng đoạn ngã ba Phùng Hưng – Bát Đàn luôn tấp nập xe cộ ra vào lúc chiều tan tầm. Đường đôi giờ chỉ còn nửa. |
Đến giờ tan tầm, hè phố bỗng dần biến mất, thay vào đó là bàn, ghế, quạt… án ngữ cả dưới lòng đường. |
Cách đó không xa, tại ngã ba Đường Thành – Bát Đàn, tình trạng lấn chiếm hè phố phục vụ kinh doanh, ăn uống bất chấp quy định của Thành phố. |
Trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, vật liệu được tập kết trên vỉa hè. |
Một góc nhìn khác trên đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai. |
Tại phố Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, người đi bộ phải len lỏi vào các khoảng trống còn lại trên vỉa hè. |
Phố Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng đến giờ nghỉ trưa, vỉa hè sẽ tự động bị thu hẹp phục vụ nhu cầu ăn uống. |
Từ những thực trạng trên, có thể thấy việc duy trì chiến dịch “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ” của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố Hà Nội hẳn không dễ dàng và còn nhiều gian nan.
Nguyên nhân, nút thắt và giải pháp
Theo ông Nguyễn Hồng Hà – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, quận Hoàng Mai: “Chiến dịch giành lại vỉa hè đi vào thực hiện, triển khai vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm nay. UBND quận đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 197 của quận phối hợp với lực lượng công an các phường, ra quân quyết liệt kèm theo đó công tác tuyên truyền được thực hiện song song trên tinh thần chỉ đạo của hệ thống chính trị. Kết quả sau nhiều lần ra quân trên địa bàn quận, bộ mặt văn minh đô thị đã có nhiều chuyển biến, có nhiều điểm nóng thường xuyên nhận được phản ánh đến nay đã thuyên giảm. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn nhất định. Nguyên nhân do ý thức một bộ phận không nhỏ của người dân chưa thực sự chuyển biến trong nhận thức. Vấn đề chấp hành chỉ diễn ra khi có lực lượng đến xử lý và mang tính đối phó chứ người dân chưa nhận thấy đó là nghĩa vụ của mình. Dẫn đến việc khi vắng bóng lực lượng chức năng người dân lại tái vi phạm, thấy bóng dáng lực lượng chức năng từ xa thì họ lại dẹp vào, khi lực lượng đi lại bày ra. Quận đã triển khai những biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Cụ thể, trong các buổi sinh hoạt Tổ dân phố, sinh hoạt Chi bộ và ngay cả trong trường học cũng có chỉ đạo đưa những nội dung tuyên truyền giáo dục về việc chấp hành trật tự đô thị.
Ông Nguyễn Hồng Hà – Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, quận Hoàng Mai trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng. |
“Song song với việc ra quân quyết liệt kèm theo tăng cường biện pháp tuyên truyền hiện nay, Thành ủy và UBND thành phố đang có chỉ đạo xây dựng Đề án về việc quản lý lòng đường vỉa hè, trong đó có xem xét đến vấn đề cho phép sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh hoặc cho thuê để giải quyết vấn đề sinh kế của người dân. Bởi, vỉa hè không chỉ dành riêng cho người đi bộ, mà còn phải phục vụ những nhu cầu khác của xã hội, trong đó về mặt tinh thần và kinh tế. Bao gồm những sự kiện mang tính tuyên truyền cộng đồng, văn hóa giải trí, ngày lễ lớn nên cần có thời gian và mang tính lâu dài. Đặc biệt chú trọng đến vấn đề phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Hoàng Mai” – ông Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
Qua công tác xử lý vi phạm đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an quận Hoàng Mai đã ra quân, xử lý 8.556 trường hợp vi phạm, phạt tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 4.200.150.000 đồng (theo Báo cáo số 228/BC-UBND ngày 12/06/2023).
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Ngọc Quyết – Phó Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Về cơ bản người dân đã có ý thức từ khi có chiến dịch “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, qua công tác kiểm tra thường xuyên người dân đã có ý thức chấp hành. Sắp tới, UBND phường sẽ tiếp tục tăng cường xử phạt, duy trì, đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn phường”.
Theo Báo cáo số 40/BC-BCĐ ngày 07/04/2023 về kết quả kiểm tra, xử lý giải quyết vi phạm về trật tự giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn phường Lê Đại Hành. Qua công tác tuyên truyền UBND phường đã ban hành 2.000 thư ngỏ và phối hợp với 9 Tổ công tác đảm bảo trật tự đô thị - vệ sinh môi trường tại 9 tổ dân phố thực hiện nhắc nhở các hộ kinh doanh và nhân dân trên địa bàn phường cùng tham gia thực hiện công tác trật tự đô thị, trật tự công cộng, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán. Qua đó, xử lý 30 trường hợp chiếm dụng hè phố, 89 trường hợp để xe máy sai quy định, 86 trường hợp ôtô dừng đỗ sai quy định, 21 trường hợp bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 181.600.000 đồng. Thu giữ 547 ô, bạt, biển quảng cáo, bàn ghế các loại; xử lý 84 mái che, mái vẩy sai quy định an toàn hành lang giao thông.
Mạnh Vũ
Theo