(Xây dựng) - Chiều 29/7, GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã cùng đoàn đi khảo sát một số bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh để khẩn trương xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực quy mô 500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng.
Đoàn Bộ Y tế và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát địa điểm đặt Trung tâm hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Việt Đức. |
Đoàn đã khảo sát Bệnh viện dã chiến số 6 (phường An Khánh, thành phố Thủ Đức). Bệnh viện có quy mô 5.000 giường bệnh, hiện đang có hơn 4.000 trường hợp Covid-19 điều trị. Tất cả các bệnh nhân tại đây đều có bệnh lý nền, trong đó 50 bệnh nhân thở oxy.
Đoàn cũng đã khảo sát tiến độ xây dựng bệnh viện dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh). Tại đây nhiều dãy nhà đang được khẩn trương hoàn thành.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, về cơ sở vật chất, Trung tâm hồi sức cần nhất là mặt bằng thông thoáng có thể cấp khí y tế vào. Tại mỗi phòng điều trị có thể điều trị cho 30 bệnh nhân. Đối với quy mô 500 giường bệnh, ít nhất cần 100 giường được trang bị thở máy, 100 giường thở oxy liều cao.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, cơ sở vật chất đang được thiết lập tại bệnh viện dã chiến số 13 phù hợp để xây dựng Bệnh vịen Hồi sức Covid-19. Tuy nhiên, theo GS.TS Giang để sớm đưa vào hoạt động, bệnh viện cần được UBND Thành phố Hồ Chí Minh và ngành Y tế thành phố hỗ trợ thêm nhân lực khối hậu cần. Bệnh viện Việt Đức sẽ chi viện đội quân tinh nhuệ là những bác sỹ hồi sức, điều dưỡng có khả năng thiết lập thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh.
PGS.TS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo từ Bộ Y tế về việc cử lãnh đạo của 3 bệnh viện hạng đặc biệt, trong đó có Bệnh viện Việt Đức vào Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập 3 Trung tâm Hồi sức Covid-19, mỗi trung tâm có quy mô 500 giường, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã họp khẩn.
Theo đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tích cực phối hợp giữa các ban, ngành địa phương với Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương, tạo điều kiện tối đa để sớm đưa vào hoạt động các Trung tâm hồi sức Covid-19. Đối với nhân sự hậu cần, Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án điều động nhân lực. Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn giữa địa phương và Trung ương có sự gắn kết, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay, giúp nhanh chóng khống chế được dịch bệnh.
Yến Mai
Theo