(Xây dựng) – Sáng 19/7 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán” nhằm trao đổi, phân tích và đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Viết Việt – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm. |
Tọa đàm có sự tham gia của các đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam - VASB, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam - VSD, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX, các công ty chứng khoán, kiểm toán... cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán”, ông Nguyễn Viết Việt – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tìm ra các giải pháp để gia tăng hàng hóa có chất lượng cho thị trường, giúp nhà đầu tư đa dạng lựa chọn đầu tư, giúp doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán hoạt động hiệu quả đã giúp thị trường vốn trở nên dần cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch.
Thị trường chứng khoán đang đứng trước những cơ hội lớn, khi kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, dư địa cho tăng trưởng rộng mở. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước chủ trương phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, bền vững.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực VASB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBS cho biết, trước những nỗ lực của Chính phủ, thời gian vừa qua, nhờ các chính sách tài khóa kịp thời, hiệu quả nên chúng ta đã cơ bản kiểm soát được lạm phát, tỷ giá hối đoái duy trì ở mức cân bằng. Kết quả đã thể hiện khá rõ trên thị trường chứng khoán. Thị trường đang ngày càng hồi phục mạnh mẽ, thanh khoản có phiên lên đến 19.000 tỷ đồng, phản ánh niềm tin của giới đầu tư đang quay trở lại. VN-Index từ vùng thấp chỉ 900 điểm, nay đã vượt qua ngưỡng 1.100 điểm và đang hướng đến mốc 1.200 điểm trong tương lai gần.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm niêm yết và đăng ký giao dịch) trong thời gian qua còn rất hạn chế. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và các thành viên tham gia thị trường...
Hiện tại, với nền tảng kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực cùng với chủ trương của Chính phủ về xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch, bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.
Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Tại phiên thảo luận của buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, đại diện chủ thể tham gia thị trường chứng khoán đã cùng trao đổi, phân tích và chỉ ra các thực trạng, đi vào phân tích rõ các nguyên nhân và tham vấn các giải pháp để nâng cao chất lượng của thị trường chứng khoán, từ đó thu hút doanh nghiệp lên sàn.
Phiên thảo luận đầu tiên của Tọa đàm được điều hành bởi ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực VASB. |
Để thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, theo ông Bùi Đình Như, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư và Tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp, để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức khi lên sàn chứng khoán. Tiếp đó, cũng cần nâng cao về tính minh bạch và cho các doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của sự lành mạnh, lâu dài và bền vững khi phát triển.
Cùng ý kiến, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp trước khi muốn lên sàn nên tìm hiểu trước các quy định đăng ký chứng khoán niêm yết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ về các mốc thời gian trong quá trình niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường. Trên cơ sở các quy định và thời hạn đăng ký, các doanh nghiệp có thể chuẩn bị lộ trình cho việc niêm yết.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là định hướng, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên, nhằm nâng cao khả năng về vốn, tiệm cận đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Lê Trang
Theo