(Xây dựng) - Các quy định pháp luật về bất động sản du lịch hiện nay đang nằm rải rác trong nhiều luật khác nhau, không đồng bộ, thiếu thống nhất đang gây lúng túng trong công tác quản lý Nhà nước tại các địa phương, tạo "điểm nghẽn" cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch. Gỡ rào cản cho lĩnh vực này là vấn đề cấp thiết.
Tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Chính sách, pháp luật cho bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” ngày 16/11, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội cho biết về thực trạng điểm nghẽ và những giải pháp tháo gỡ cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản du lịch.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, trường Đại học Luật Hà Nội. |
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến nút thắt lớn nhất của thị trường bất động sản du lịch là hệ thống chính sách pháp luật đặc biệt 3 đạo luật có liên quan trực tiếp đến phân khúc này đó là Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở 2015 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 chưa có đầy đủ quy định về quyền sở hữu của cá nhân đối với các sản phẩm bất động sản du lịch như: Condoltel, resort hay shophouse. Trong Luật Đất đai 2013, quy định chung chung đất xây dựng bất động sản du lịch là đất phi nông nghiệp. Nhưng chưa quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các sản phẩm bất động sản trên đất.
Còn Luật Kinh doanh nhà ở 2015, quy định chung về phân loại nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng chưa có quy định đề cập đến quyền sở hữu nhà ở sử dụng vào mục đích hỗn hợp như vừa kinh doanh vừa làm khách sạn vừa làm nhà ở.
Đây là nút thắt gây điểm nghẽn cho hoạt động kinh doanh bất động sản khiến các nhà đầu tư bất động sản chưa yên tâm đầu tư vào thị trường khi khuôn khổ pháp lý, luật chơi chưa hoàn chỉnh. Đối với nhà đầu tư thứ cấp hay người dân cũng không yên tâm khi bỏ ra khoản tiền lớn mua nhưng lại không được đảm bảo quyền sở hữu đối với các bất động sản du lịch. Về phía cơ quan nhà nước do thiếu khung pháp lý như vậy nên rất lúng túng trước sự phát triển sôi động của thị trường bất động sản trước đại dịch Covid-19.
Dự án bất động sản Du lịch Sonasea Vân Đồn Harbor City, tạo động lực cho phát triển du lịch và kinh tế tại Khu Kinh tế Vân Đồn. |
Như vậy, muốn tháo nút thắt này PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến cho rằng: “Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, vấn đề trước mắt phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản nói chung và kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng.
Trước thềm Chính phủ họp Quốc hội cũng có kế hoạch sửa Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Nhà ở năm 2015. Trong Luật Đất đai năm 2013 phải định danh rất rõ đất sử dụng vào mục đích hỗn hợp condotel hay shophouse nếu mục đích chính là kinh doanh thì phải xác định là đất kinh doanh kết hợp để ở. Nếu shophouse quy hoạch để xây dựng khu dân cư kết hợp với kinh doanh thì phải định đấy là đất ở phải định danh minh bạch, và cấp quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở để người dân không cảm thấy bất an khi họ bỏ tiền ra mua bất động sản du lịch về pháp lý không đảm bảo.
Về Luật Nhà ở thì cần phải sửa, có quy định cụ thể về quản lý Nhà nước đối với nhà ở trong lĩnh vực sử dụng để phục vụ cho du lịch nghỉ dưỡng của phân khúc thị trường bất động sản du lịch. Còn về Luật Kinh doanh bất động sản bổ sung loại hình kinh doanh bất động sản du lịch bên cạnh hình thức kinh doanh nhà ở có sẵn kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai và kinh doanh quyền sử dụng đất.
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến đưa ra quan điểm: Hội thảo đã có nhiều đại biểu quốc tế chia sẻ về những kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp luật cho thị trường bất động sản. Với kinh nghiệm của nước ngoài rất quan trọng đặc biệt trong quá trình mở cửa hội nhập, bởi động lực để phát triển thị trường bất động sản du lịch đó là nguồn khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa ẩm thực rất phong phú, cảnh vật thiên nhiên nổi tiếng, với chính sách cởi mở và chính trị ổn định thì tương lai rất nhiều khách du lịch đến Việt Nam và trong số đó sẽ có nhiều người muốn đầu tư và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không nên sao chép mà cần chọn lọc cho phù hợp với điều kiện của mình.
Kim Oanh
Theo