(Xây dựng) - Kể từ đầu năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng trong nước liên tục tăng, nhất là sắt và thép xây dựng. Việc tăng giá này ảnh hưởng không ít đến tiến độ của các công trình xây dựng.
Giá vật liệu xây dựng vẫn tăng trong mùa dịch bệnh. |
Theo khảo sát thị trường thì giá vật liệu xây dựng đã tăng 25% so với giá đầu năm. Bởi do ảnh hưởng dịch Covid -19, nhiều nhà chuyên môn dự báo rằng nếu không kìm hãm đà tăng của giá các vật tư đầu vào này thì nhiều khả năng bất động sản sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, ảnh hưởng đến người mua nhà. Đồng thời việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các công trình xây dựng.
Theo tính toán của các chủ đầu tư, thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí cho một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề. Với mức giá thép tăng lên tới 40-45% như hiện nay thì đơn giá bán nhà sẽ chịu tác động lớn.
Không riêng gì thép, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng khác cũng nhiều lần đưa ra thông báo thay đổi, điều chỉnh tăng giá bán khiến lượng sản phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng đã điều chỉnh mức giá sản phẩm bán ra, với mức tăng từ 30.000-40.000 đồng/tấn trở lên.
Đây chính là nỗi lo của nhiều nhà thầu xây dựng và các chủ đầu tư, bởi các đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải chịu.
Riêng với doanh nghiệp ngành Xây dựng dân dụng, việc giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ giảm lợi nhuận. Đối với các công trình của công ty làm hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói thì khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu. Bên cạnh đó, lượng khách hàng cũng giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét hoãn kế hoạch lại. Nếu tiếp tục hợp đồng nhưng phải cắt giảm quy mô xây dựng, hoặc giảm bớt nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định: Hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn Nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng. Lực lượng nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận.”.
Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Đinh Hồng Kỳ cũng cho rằng: Dịch bệnh và giãn cách xã hội đang ảnh hưởng rất lớn lên ngành sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng. Nhưng chúng tôi đều chung quan điểm rằng, luôn có cầu vồng trong cơn mưa, dịch bệnh sẽ giúp Doanh nghiệp bộc lộ thực lực của mình. Đây là một cuộc sàng lọc lớn để khi đại dịch Covid-19 qua đi, những Doanh nghiệp hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là khu vực chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19 với tỷ lệ Doanh nghiệp bị tác động lên tới 86,1%. Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, phần lớn Doanh nghiệp đều phải thực hiện chính sách tiết giảm chi phí sản xuất, cân đối nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường, huy động vốn đầu tư.
Ngoài ra, cũng cần mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời khẳng định uy tín trên thương trường.
Các chủ đầu tư và các nhà thầu đang hy vọng rằng, Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để tổ chức lập chỉ số giá xây dựng, phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian và xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, để thị trường vật liệu xây dựng sớm được bình ổn giá.
Hạ Ly
Theo