(Xây dựng) - “Giá thép tăng sốc, đại họa cho các nhà thầu” - Đây là “tiếng than” của đại diện một đơn vị xây lắp. Thép là một loại nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng cao trong công trình. Từ cuối năm ngoái đến thời điểm hiện tại, giá thép trên thị trường đã tăng khoảng 35 - 40% nên hầu hết các nhà thầu xây dựng đều gặp khó khăn, thậm chí có nguy cơ rời bỏ thị trường.
Giá thép tăng sốc, nhà thầu gặp khó. |
Càng làm càng lỗ
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2 là một DN có hoạt động trong lĩnh vực xây lắp. Cũng như nhiều nhà thầu khác, giá thép lên tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của Vina2.
Ông Nguyễn Việt Cường - Tổng giám đốc Vina2 cho biết: Từ đầu năm tới thời điểm hiện tại thép tăng giá từ 12.000 đồng lên 18.000 đồng và vẫn còn đang có chiều hướng tăng… khiến các nhà thầu như ngồi trên chảo lửa.
Phần lớn các hợp đồng xây dựng hiện nay đều là hợp đồng đơn giá cố định và hợp đồng trọn gói, tức là nhà thầu không được thay đổi giá khi giá nguyên vật liệu trên thị trường thay đổi (trừ các trường hợp bất khả kháng).
Do vậy, toàn bộ các gói thầu ký từ năm 2020 và đầu năm 2021 đều bị ảnh hưởng lớn, thậm chí là “vỡ” phương án kinh tế. Bởi vì biên lợi nhuận một gói thầu thi công xây dựng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay là rất “mỏng”, thường ở mức trên dưới 5%, đặc biệt có gói thầu nhà thầu chấp nhận làm hòa vốn, không lợi nhuận để lấy công việc cho CBCNV.
Theo phân tích của ông Cường, với tỷ trọng giá trị thép chiếm 20% của gói thầu, việc giá thép tăng 50% thì nhà thầu sẽ lỗ từ 5 - 10%. Với những gói thầu chỉ thi công riêng phần thô thì nhà thầu chắc chắn lỗ 20 - 25%.
Hơn nữa, giá thép tăng, còn kéo theo hệ quả là các nguyên vật liệu khác tăng theo như xi măng, cát, đá, gạch… Nhân công cũng tăng, như vậy con số lỗ còn cao hơn.
“Nguy cơ “phá sản” đối với các nhà thầu trên cả nước là rất gần nếu không nhận được sự chia sẻ hỗ trợ từ chủ đầu tư” - ông Cường nhận định.
Tương tự, ông Hoàng Phương Lâm - Giám đốc Điều hành Công ty Xây dựng Newtecons cũng cho biết: Suốt năm ngoái, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nhất là thời gian bị giãn cách xã hội, công việc không triển khai được liên tục, khiến tiến độ công trình bị chậm. Nhiều nhà thầu phải rời khỏi thị trường.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, “cơn báo giá thép” ập đến, sẽ có thêm rất nhiều nhà thầu tiếp tục rời bỏ thị trường vì càng làm thì càng lỗ.
Cũng như ông Cường, ông Lâm cho rằng giá thép chiếm vào khoảng từ 17 - 22% giá trị của tổng một công trình. Nên giá thép tăng dẫn đến chi phí công trình tăng nhiều.
“Với những dự án đã triển khai từ lâu, chúng tôi có kế hoạch mua thép trữ lại nên không bị ảnh hưởng. Còn những dự án mà trúng thầu vào đầu năm nay hoặc những dự án bây giờ đang chào giá thì ảnh hưởng rất lớn. Nhiều dự án vừa bỏ giá xong đã thấy lỗ rồi. Nhưng vì uy tín của DN, các nhà thầu còn có đủ sức vẫn phải “gồng gánh” để làm” - ông Lâm cho biết.
Giải pháp dành cho các nhà thầu?
Chia sẻ về giải pháp gỡ khó trong bối cảnh hiện nay, ông Hoàng Phương Lâm chia sẻ: Có một biện pháp để chống lại việc tăng giá thép đó là bỏ tiền ra mua thép trước. Khi nhà thầu đã bỏ tiền ra mua thép cho toàn bộ công trình thì ngay cả khi giá thép lên, nhà cung cấp thép buộc phải giữ giá.
Song ông Lâm cũng cho thừa nhận: Khoảng tháng 3, tháng 4 lại đây, khi giá thép tăng lên hàng tuần, các nhà cung cấp thép cũng muốn có lợi nhuận lớn hơn vì thế tại thời điểm hiện nay, ngay cả việc có tiền mà muốn mua thép cũng không phải là chuyện dễ dàng.
Nhưng đấy chỉ là giải pháp đối với các nhà thầu lớn. Còn với các nhà thầu nhỏ vừa và nhỏ, không phải nhà thầu nào cũng có sẵn tiền để mua thép trước.
Ông Nguyễn Việt Cường thì cho rằng: Đối với công trình sử dụng nguồn vốn tư nhân, rất cần sự thiện chí, hỗ trợ của chủ đầu tư trong việc tháo gỡ. Nhưng đối với công trình sử dụng vốn ngân sách thì cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, sở ban ngành.
Ông Cường phân tích: Đại dịch Covid -19 cùng với giá thép tăng là các yếu tố có thể “giết chết” nền kinh tế, nếu Chính phủ không quyết liệt xử lý.
“Nếu Nhà nước không kìm được đà tăng của giá thép, nguy cơ vỡ trận của ngành Xây dựng là rất lớn. Bởi khi nhà thầu thì chần chừ, chây ỳ thi công, dẫn đến vỡ tiến độ, chủ đầu tư chậm đưa công trình vào sử dụng. Rộng hơn nữa là công nhân thì mất việc, giá công trình xây dựng tăng cao, giá nhà tăng cao… nguồn kinh tế từ bất động sản bị nghẽn, đây chính là “cục máu đông” gây nghẽn cho nền kinh tế” - ông Cường nhận định.
Do vậy, ông Cường kiến nghị cần phải đưa yếu tố tăng đột biến về giá vật tư trên 20 - 30% là điều kiện bất khả kháng để hỗ trợ nhà thầu. Hiện nay theo hướng dẫn về Hợp đồng của các Bộ ngành liên quan, chưa đề cập nội dung này.
Với các trường hợp vốn ngân sách mà được phép điều chỉnh giá thì các thông báo giá của Liên sở phải cập nhật kịp thời với giá thị trường, tránh được bù rồi nhưng thông báo giá vẫn thấp hơn 15 - 20% so với thị trường.
Trước mắt các nhà thầu tự cứu mình bằng cách đàm phán với chủ đầu tư về việc bù giá thép, ít nhất là phần vật tư vật liệu chuẩn bị đưa vào thi công, phần khối lượng phát sinh, mặt khác dồn tiền mua thép giữ giá và trông chờ thép sẽ hạ nhiệt.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Phương Lâm, đặc thù của Newtecons là chỉ làm với những chủ đầu tư tư nhân cho nên hợp đồng là hợp đồng trọn gói, rất khó đàm phán về các điều khoản về điều chỉnh giá khi giá thị trường tăng như thế này. Do vậy, các cơ quan quản lý cần có một chính sách để bình ổn giá thì công việc mới tiến triển được…
Quý Anh
Theo