(Xây dựng) - Để nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư và tránh lãng phí nguồn lực đất đai, tỉnh Gia Lai đang tích cực rà soát và xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ và kém hiệu quả. Một số dự án tại địa phương này đã được nhà đầu tư đăng ký khảo sát nhưng lại chậm triển khai và không thông báo lại cho chính quyền địa phương, gây ra nhiều vướng mắc và kéo dài thời gian thực hiện.
Xử lý các dự án chậm tiến độ để tiếp tục thu hút đầu tư. |
Cụ thể, tại xã Gào, thành phố Pleiku có hai dự án nông nghiệp công nghệ cao bị chậm tiến độ: Dự án trồng, chế biến, xuất khẩu rau củ quả ứng dụng công nghệ cao với tổng vốn đầu tư dự kiến 100 tỷ đồng, diện tích đất 55ha. Tiếp theo là Dự án Trung tâm sản xuất hạt giống, rau sạch ứng dụng công nghệ cao, vốn đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng và diện tích đất 40ha.
Mặc dù đã có nhà đầu tư đăng ký khảo sát, nhưng do một số quy định pháp lý, không thể hủy kết quả sơ tuyển, dẫn đến dự án bị bỏ hoang nhiều năm và gây lãng phí đất đai.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: "Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xử lý các dự án này. Hiện tại, Sở đang hoàn thiện hồ sơ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hủy kết quả sơ tuyển của hai dự án này".
Một dự án khác cũng đang được rà soát lại, đó là Dự án Trang trại chăn nuôi vịt giống Gia Lai ViNa tại xã Hbông, huyện Chư Sê, do Công ty Cổ phần Giống công nghệ cao Gia Lai ViNa làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư vào ngày 22/1/2021, với mục tiêu xây dựng trang trại chăn nuôi gia cầm theo mô hình công nghiệp khép kín, quy mô 19.200 con vịt/lứa 75 tuần tuổi và hơn 4,6 triệu trứng vịt giống/năm, trên diện tích đất 44.892m² và vốn đầu tư dự kiến 28,2 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án này phải hoàn thiện thủ tục pháp lý vào quý I/2021, xây dựng trong quý IV/2021 và hoạt động từ quý I/2022. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa triển khai và hiện đang là đất trống. Nhà đầu tư đã nộp hồ sơ điều chỉnh tiến độ và Sở Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các ngành, thẩm định theo quy định.
Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang gặp khó khăn như: Dự án Khu trung tâm thương mại Hội Phú của Công ty VK.Land (thành phố Pleiku) và Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê của Công ty Cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc (xã Ia Glai, huyện Chư Sê). Các dự án này đều chậm trễ do vướng mắc thủ tục pháp lý và đang được rà soát để xử lý.
Giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh mục thu hút đầu tư với 314 dự án. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 50 dự án tiếp tục được giữ lại để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2024-2026, trong khi 264 dự án bị loại bỏ do không còn phù hợp quy hoạch.
Ông Đinh Hữu Hòa cho biết thêm: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã xây dựng danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2026 với 89 dự án, tổng diện tích 19.330,65ha. Hiện tỉnh đang xem xét và tổng hợp báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy để hoàn thiện và triển khai trong thời gian tới".
Để thu hút đầu tư hiệu quả, Gia Lai sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án. Tỉnh sẽ tăng cường trao đổi thông tin hai chiều và đối thoại chính sách để hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, tạo niềm tin và cầu nối cho các nhà đầu tư mới.
"Năm 2024, dự kiến UBND tỉnh sẽ tổ chức 2 hội nghị đối thoại, gặp gỡ trực tuyến để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư" - ông Hòa thông tin thêm.
Với những nỗ lực này, Gia Lai hy vọng sẽ nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tận dụng tối đa các nguồn lực, đặc biệt là đất đai.
Bá Tứ
Theo