(Xây dựng) - Từ xuất phát điểm rất thấp và còn nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp đột phá, công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tính đến tháng 3/2020, cả nước đã có 2.947 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các địa phương đã được ban hành, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho các xã đặc biệt khó khăn và xã đạt dưới 5 tiêu chí cao hơn 4 - 5 lần so với các địa phương khác.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, bổ sung khoảng 1,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho 3.513 thôn, bản, ấp thuộc 36 tỉnh triển khai Đề án…
Theo thống kê trong giai đoạn 2016 - 2019, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã huy động được khoảng gần 900 nghìn tỷ đồng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chiếm 78% tổng vốn huy động của cả nước (gần 1,3 nghìn tỷ đồng). Trong đó, có khoảng 70,6 nghìn tỷ đồng là do người dân đóng góp thông qua hiến đất và ngày công lao động.
Nhờ có nguồn lực đầu tư lớn, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của đồng bào các dân tộc cả nước đã được cải thiện rõ nét. Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm khoảng 3 - 4%/năm. Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có 61,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập và 60,7% số xã hoàn thành tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo.
Tính đến tháng 3/2020, cả nước đã có 2.947 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 45% tổng số xã). Bình quân mỗi xã đã đạt 14,87/19 tiêu chí. Một số tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như: Huyện Trấn Yên (Yên Bái), thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), huyện Tây Trà (Phú Yên)…
Tuy nhiên, công cuộc xây dựng nông thôn mới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông, nguyên nhân chủ yếu là do địa hình phức tạp, nhiều nơi bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối nên suất đầu tư xây dựng các công trình lớn. Việc phân bổ nguồn vốn cấp hạ tầng còn thấp so với quy định, dàn trải, thiếu đồng bộ… còn xảy ra tại một số địa phương…
Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới, Ủy ban Dân tộc đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc tăng mức hỗ trợ vốn trực tiếp để thực hiện Chương trình cho các địa phương có đặc thù (bị chia cắt, thường xuyên xảy ra thiên tai…). Đồng thời ưu tiên các hạng mục về hạ tầng để giúp các thôn, xã giáp biên đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất…
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đề ra mục tiêu có ít nhất 01 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có ít nhất 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu...
Các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù đã được phê duyệt cũng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ, trong đó ưu tiên triển khai ở địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế), đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Linh Đan
Theo