(Xây dựng) - Bộ Công Thương làm việc, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về số liệu nguồn điện mặt trời đưa vào quy hoạch, tuyệt đối không để xảy ra các khiếu kiện của nhà đầu tư đối với các dự án nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch.
Dự án nhiệt điện (ảnh minh họa). |
Loại 6.800MW nhiệt điện than
Theo Tờ trình 238/TTr-BCT về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) mới nhất được ký ngày 13/10/2022 của Bộ Công Thương, đến hết tháng 9/2022, nước ta đã có 39 nhà máy nhiệt điện than, tổng công suất 24.674MW đang vận hành.
Hiện nay, còn 12 dự án nhiệt điện than, tổng công suất 13.792MW đã được giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư đang triển khai xây dựng, bao gồm: 7 dự án (tổng công suất 6.992MW) đang xây dựng. Trong đó, một số dự án đã thu xếp được vốn, đang xây dựng và chắc chắn sẽ vào vận hành, gồm: Thái Bình II, Quảng Trạch I, Vân Phong 1, Vũng Áng II. Các dự án còn lại là Long Phú I đang đàm phán với tổng thầu để triển khai tiếp và 2 dự án An Khánh Bắc Giang và Na Dương II đã có phương án vay vốn trong nước.
Còn 5 dự án có tổng công suất 6.800MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn, bao gồm: Công Thanh (600MW), Quảng Trị (1.200MW), Sông Hậu II (2.000MW), Nam Định I (1.200MW), Vĩnh Tân III (1.800MW).
Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã làm việc với chủ đầu tư tại 5 dự án này về tình hình cụ thể. Trong đó, chủ đầu tư 2 dự án là Công Thanh và Quảng Trị đã thông báo không thể thực hiện tiếp dự án này.
Riêng dự án nhiệt điện Công Thanh do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh là chủ đầu tư được giao phát triển dự án từ năm 2011. Dự án đã được phê duyệt FS; đã triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, cảng than; xây hàng rào nhà máy, nhà làm việc công trường; đã có Quyết định cấp đất, Hợp đồng thuê đất, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng, đã ký hợp đồng mua bán điện, đã lựa chọn tổng thầu EPC. Tuy nhiên, dự án không thu xếp được vốn, chủ đầu tư và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị chuyển đổi sang dự án điện LNG và tăng công suất lên 1.500MW.
3 dự án còn lại có Sông Hậu II chưa vay được vốn, đã vi phạm hợp đồng BOT; dự án Nam Định I và Vĩnh Tân III chưa tìm được cổ đông thay thế và chưa vay được vốn. Bộ Công Thương đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án nếu không dừng dự án phải cung cấp được cam kết cụ thể bằng văn bản của chủ thể cho vay vốn, chậm nhất đến ngày 30/10/2022.
Tuy nhiên, xét trên bối cảnh thực tế các dự án đang phải tìm cổ đông mới tham gia và tìm nguồn vốn, Bộ Công Thương cho rằng việc triển khai tiếp các dự án này là rất khó khăn.
Do đó, trong tính toán quy hoạch lần này, Bộ Công Thương không đưa 6.800MW các dự án này vào cân đối và bù bằng các dự án nguồn khác, chủ yếu là điện gió, sinh khối. Nhưng để tránh rủi ro pháp lý và đền bù Nhà nước, các dự án này vẫn để trong danh mục cho đến khi hoàn tất chính thức các thủ tục dừng, chấm dứt các dự án.
Đối với khoảng 6.565MW điện mặt trời có trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh nhưng chưa vận hành, một số dự án có trong quy hoạch đã được chấp thuận nhà đầu tư, triển khai thực tế, với công suất 2.428MW. Hồi tháng 8, Bộ Công Thương đã đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện tiếp số dự án này tới năm 2030. Số còn lại chưa có nhà đầu tư, trên 4.136MW, thì chưa triển khai tiếp trước 2030.
Trình lại Thủ tướng dự thảo Quy hoạch điện VIII
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 238/TTr-BCT về Quy hoạch điện VIII mới nhất được ký ngày 13/10/2022. Dựa trên tờ trình này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: Bộ Công Thương làm việc, thống nhất với Thanh tra Chính phủ về số liệu nguồn điện mặt trời đưa vào quy hoạch và khẳng định các điều kiện pháp lý, tuyệt đối không để xảy ra các khiếu kiện của nhà đầu tư đối với các dự án nhiệt điện than không đưa vào quy hoạch.
Đồng thời, Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch điện VIII theo đúng chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2022.
Được biết, Quy hoạch điện VIII đã định hướng quá trình chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí tại Việt Nam đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII cũng đã xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro…
Yến Mai
Theo